Giải quyết những bức xúc xã hội trên cơ sở tin và tôn trọng dân

Nhân dịp xuân mới 2019, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề hoạt động của Mặt trận trong năm 2019.

Giải quyết những bức xúc xã hội trên cơ sở tin và tôn trọng dân

* Phóng viên: Thưa ông, năm 2018 được xem là năm thành công của Mặt trận khi đã tạo nên nhiều dấu ấn mới trong hoạt động của mình. Một trong những điểm nổi bật và cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của MTTQ Việt Nam, là giám sát, phản biện xã hội. Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trên?

- Ông TRẦN THANH MẪN: Vừa qua, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội tiếp tục từng bước triển khai đồng bộ, nền nếp, thực chất hơn. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tiến bộ hơn, báo cáo kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XIV được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tới đây sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Chúng tôi cũng phải làm tốt nhiệm vụ đề xuất thể chế quy định những nội dung cần giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức thực hiện.

Tới đây sẽ tiếp tục rà soát các quy định còn bất cập để đề xuất phương hướng nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện xã hội trong tình hình mới. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Kết hợp liên thông các nhiệm vụ: giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tăng giám sát vụ việc qua giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Mặt trận cũng sẽ công khai kết luận thanh tra, tính khách quan của các chỉ số hài lòng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; vấn đề báo chí, dư luận đang quan tâm, nhân dân đang bức xúc, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Đặc biệt, Mặt trận sẽ tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tập trung góp ý vào việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, những vấn đề “nóng” mà nhân dân địa phương quan tâm. 

* Là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, là ngôi nhà chung của các tầng lớp xã hội, theo ông, năm 2019 và những năm tiếp theo, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc?

- Trước hết, Mặt trận sẽ mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở tích cực phối hợp đồng bộ với cả hệ thống chính trị để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảm bảo hài hòa các lợi ích chung của các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội như lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể; lợi ích gia đình và lợi ích xã hội; lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc; lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế... Trên cơ sở lấy lợi ích xã hội, lợi ích tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân; tôn trọng và đề cao lợi ích cá nhân nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, gắn lợi ích với trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân. Đồng thời, Mặt trận tôn trọng những điểm khác biệt, không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Phát huy những yếu tố tương đồng, quy tụ sức mạnh của các bộ phận cấu thành dân tộc bao gồm mọi người dân đang sinh sống ở trong nước và ở nước ngoài có nguồn gốc là người Việt Nam. Không phân biệt là dân tộc thiểu số hay đa số, theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Không phân biệt giàu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ. Nếu “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.  

Mặt khác, Mặt trận củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực nhằm xây dựng khối đại đoàn kết thực sự bền vững. Mặt trận và các tổ chức thành viên phải là “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để nhân dân tin tưởng, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia bàn bạc những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Muốn thế, Mặt trận các cấp phải chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc trên cơ sở tin dân và tôn trọng dân…

* Năm 2019 là năm rất quan trọng của MTTQ Việt Nam khi Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Nhân sự của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp cần có những phẩm chất gì để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới?

- Muốn làm tốt công tác đại đoàn kết dân tộc thì phải chú trọng công tác tổ chức, cán bộ, sắp xếp lại tổ chức, cán bộ đảm bảo chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Mặt trận chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo, cán bộ đảng viên. Cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, cập nhật kiến thức, tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công việc để giải quyết những vấn đề mới, khó như giám sát, phản biện xã hội, công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, kiều bào…

* Cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục