
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) hằng năm đã tạo dựng cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh - Chủ tịch Hội đồng GTCLQG cho rằng, giải thưởng đã tạo nên một phong trào sôi nổi trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hoạt động GTCLQG trong những năm qua và trong năm 2013, hoạt động này có điểm gì mới?
- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tổ chức thường niên theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Tôn vinh, khen thưởng nói chung và tôn vinh về chất lượng nói riêng là một đòi hỏi tất yếu khách quan của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay chất lượng đã và đang trở thành một trong các yếu tố quan trọng để tạo dựng sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và xã hội. Do vậy, GTCLQG được triển khai đã góp một phần vô cùng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp bước vào giai đoạn hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế.
Tiếp nối 10 năm GTCLQG các năm, năm 2013 là năm thứ 5 GTCLQG được triển khai. Năm 2013 cũng là năm bắt đầu thấy xuất hiện một xu hướng mới, tích cực, đó là việc có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu mạnh trên thị trường cũng như đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước tham dự giải. Điển hình như: Ngân hàng TMCP Quân đội, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Vigracera… Bên cạnh đó, cùng với sự triển khai đồng bộ của các hội đồng giải thưởng của 63 tỉnh, thành phố đã thu hút được đông đảo các doanh nghiệp tham gia, tạo nên một phong trào sôi nổi trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các tiêu chí của giải thưởng.
Thực tiễn hoạt động GTCLQG trong những năm qua đã cho thấy, giải thưởng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, chính là một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động, so sánh, đối chiếu với các đối thủ cạnh tranh nhằm áp dụng các thực hành tốt nhất.
- Được đánh giá là một giải thưởng uy tín nhưng sự lan tỏa của giải thưởng vẫn còn hạn chế khi số lượng doanh nghiệp tham gia giải thưởng chưa được nhiều. Thứ trưởng bình luận gì về điều này?
- Tính từ năm 2009 đến nay, GTCLQG đã thu hút được hàng ngàn lượt doanh nghiệp tham gia dự giải. Trong đó, có gần 100 doanh nghiệp đạt giải Vàng và gần 500 lượt doanh nghiệp đạt giải Bạc. Có nhiều doanh nghiệp nhiều lần tham dự giải đã chứng tỏ Giải thưởng đã có sự thu hút mạnh mẽ đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là trong thời gian qua sự lan tỏa của giải thưởng cũng vẫn chưa được như mong muốn. Công tác tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động của giải thưởng cũng như hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá, tập huấn cho doanh nghiệp tham dự giải thưởng, kinh phí dành cho các hoạt động triển khai giải thưởng chất lượng, tổ chức lễ trao giải, khen thưởng cho doanh nghiệp đạt giải, hoạt động hợp tác quốc tế về giải thưởng chất lượng còn nhiều hạn chế… Điều này làm cho hoạt động của GTCLQG thường triển khai một cách thụ động, chậm và không rộng khắp, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, uy tín và vị thế của GTCLQG trong thời gian qua.
Tôi cho rằng, để hoạt động giải thưởng trong những năm tới có được lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam thì công tác tuyên truyền, quảng bá, đặc biệt là phải có cơ chế tài chính riêng cho hoạt động của GTCLQG. Khi có nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tôi tin rằng hoạt động của giải thưởng chắc chắn sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.

Các doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2013 Ảnh: Quang Tuấn
- Đã có doanh nghiệp bị loại vì không đảm bảo được 1 trong những tiêu chí của giải thưởng. Ông có thể cho biết rõ hơn về quy trình xét duyệt để đảm bảo tính chính xác và công minh của giải thưởng?
- GTCLQG được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige - GTCLQG của Mỹ, giải thưởng đã được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu học tập khi xây dựng GTCLQG của mình.
Theo Thông tư 17/2011/TT-BKHCN của Bộ KH&CN, các tiêu chí của GTCLQG bao gồm: Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp; chiến lược hoạt động của doanh nghiệp; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động của doanh nghiệp; kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp bị Hội đồng quốc gia loại khỏi danh sách đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trao giải vì đã không đảm bảo được các tiêu chí, cụ thể là doanh nghiệp có vi phạm và bị xử phạt trong lĩnh vực thuế XNK hoặc doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt trong lĩnh vực môi trường.
- Trong những năm tới, GTCLQG sẽ có những đổi mới gì để thu hút nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tham gia giải thưởng, thưa Thứ trưởng?
- Qua kết quả thực hiện hoạt động tôn vinh khen thưởng những năm qua, đặc biệt là qua 5 năm thực hiện GTCLQG theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thu được rất nhiều kết quả. Tuy nhiên, giải thưởng cần được mở rộng quy mô cũng như phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời cũng thể hiện được sự hội nhập với các hình thức tôn vinh, khen thưởng về chất lượng phổ biến hiện nay tại khu vực và quốc tế, tạo tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về GTCLQG, Bộ KH&CN đã xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định.
Theo đó, Nghị định về giải thưởng chất lượng được xây dựng và ban hành nhằm thống nhất quản lý và mở rộng các loại hình giải thưởng chất lượng ở cấp quốc gia đồng thời khuyến khích các DN tham dự giải thưởng, tôn vinh xứng đáng các doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu theo các tiêu chí giải thưởng, huy động được sự tham gia và hỗ trợ từ các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đối với GTCLQG từ trung ương tới địa phương.
Mặc dù đã được quy định trong Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ và được Bộ KH&CN chủ trì triển khai từ năm 2009 nhưng mới chỉ quy định đối tượng xét trao giải thưởng là doanh nghiệp mà chưa có quy định GTCLQG cho sản phẩm, hàng hóa.
Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 40 loại giải thưởng do các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, công ty thiết lập và triển khai liên quan đến lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trao cho tổ chức, cá nhân và sản phẩm.
Điều này cho thấy đang thiếu một khung quy định pháp lý và chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hoạt động xét thưởng, đặc biệt qui định các điều kiện để làm rõ và phân biệt giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa có tính chất và tầm mức quốc gia với giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa của các tổ chức, cá nhân và tạo sự thống nhất chung trong hoạt động quản lý nhà nước về giải thưởng cũng như chất lượng hoạt động trong công tác xét thưởng.
Như vậy, ngoài GTCLQG dành cho doanh nghiệp, Bộ KH&CN đang kiến nghị bổ sung GTCLQG dành cho sản phẩm, hàng hóa. Ngoài việc tôn vinh, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp trong việc khẳng định thương hiệu và chất lượng, GTCLQG còn có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm trong hoạt động SXKD, thực hiện tốt các nghĩa vụ theo qui định của pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ cộng đồng...
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hà Thủy (thực hiện)