Giảm biên chế, tăng tiền lương

Trong bối cảnh quỹ lương hạn hẹp, ngân sách khó khăn, để thực sự nâng cao tiền lương, thu nhập cho công chức, viên chức, cũng phải thực hiện quyết liệt mục tiêu sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế...

Kể từ ngày 1-7, mức lương cơ sở dành cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,38%.

Cụ thể, theo Nghị quyết 86/2019/QH14 về tăng lương cơ sở mà Quốc hội vừa thông qua thì từ ngày 1-7, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng (hiện nay) lên 1,6 triệu đồng/tháng. Không chỉ lương mà phụ cấp được tính theo mức lương cơ sở của các đối tượng công chức cũng tăng.

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, kể từ ngày 1-1, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động sẽ được tăng lương tối thiểu vùng 150.000 - 240.000 đồng (tức là tăng thêm 5,5%). Như vậy, từ năm 2020 này, nhiều khoản thu nhập của cả công chức, viên chức ở khu vực công và người lao động ở khu vực doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể.

Theo Bộ Nội vụ và Bộ LĐTB-XH, mức tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng năm 2020 là bước đệm cho một giai đoạn tiền lương mới, có nhiều thay đổi tiến bộ hơn, bắt đầu từ năm 2021, đã được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. 

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, mục tiêu đề ra là từ năm 2021, sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, để tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức. Song, như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, vấn đề mấu chốt, đầu tiên hiện nay vẫn là nguồn tiền lương từ đâu để trả cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công và làm cách nào để tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, lương cao mà lại làm việc hiệu quả, có năng suất?

Về nguồn tiền lương, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, giải pháp chủ yếu là phải quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách; các bộ ngành, địa phương phải phấn đấu cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng thu nội địa; dành 40% tăng thu của ngân sách trung ương và 70% tăng thu của ngân sách địa phương để bố trí nguồn cải cách tiền lương. Trong bối cảnh quỹ lương hạn hẹp, ngân sách khó khăn, để thực sự nâng cao tiền lương, thu nhập cho công chức, viên chức, cũng phải thực hiện quyết liệt mục tiêu sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế, Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước tại các bộ ngành, địa phương đã giảm khoảng 8,68%; số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2019 đã giảm so với năm 2015 là 50.547 người, trong đó giảm 4,26% tại địa phương, giảm 11,85% tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại tiến độ tinh giản biên chế còn chậm, có nơi không giảm mà vẫn phình ra. 

Thời gian chuẩn bị để chính thức áp dụng chính sách cải cách tiền lương không còn nhiều, vì vậy, ngay trong năm 2020 phải tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khối đơn vị sự nghiệp, kể cả y tế và giáo dục. Rút gọn biên chế hưởng lương, ưu tiên thu nhập cho những cán bộ, công chức làm việc năng suất, hiệu quả, có uy tín; giảm mạnh các đối tượng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, đùn đẩy trách nhiệm, sách nhiễu, thiếu năng lực…

Tin cùng chuyên mục