Giảm họp để dành thời gian đến với dân

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cương lĩnh, đường lối chính trị, nhiệm vụ chính trị. Các kỳ đại hội, hội nghị… là sản phẩm của một hình thức sinh hoạt của Đảng ta. Họp cũng là thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thông qua các cuộc họp như các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, hội nghị Ban chấp hành trung ương và cấp ủy các cấp, Đảng ta đã lãnh đạo, đổi mới đất nước toàn diện. Đây chính là thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Về phía chính quyền, trong quản lý, điều hành gặp nhiều vụ việc phức tạp cũng cần phải họp để nghe thêm ý kiến phân tích của các đơn vị có liên quan, từ đó mới đưa ra quyết định chính xác, chặt chẽ. Như vậy, họp là một đòi hỏi bắt buộc và không thể tránh khỏi.

Tuy vậy, cần phải nhìn nhận hiện nay có quá nhiều cuộc họp không hiệu quả. Nguyên do hệ thống tổ chức nhiều tầng nấc nên phải họp để có sự phối hợp, nhưng nếu có quá nhiều cuộc họp cũng gây ra hạn chế cho công tác chỉ đạo, điều hành. Nội dung chưa được chuẩn bị tốt nên có nhiều cuộc họp với nội dung trùng lắp, nhiều cuộc họp mang tính hình thức, lãng phí. Cùng đó là biểu hiện trong họp có “hội” (hội hè, tiệc tùng, giao lưu), gây tốn kém và lãng phí.

Tình trạng họp quá nhiều gây ra nhiều bất cập. Trước tiên, những cán bộ giữ nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị phải bố trí một lượng thời gian lớn phục vụ các buổi họp. Một trong những nhiệm vụ chính của họ là... tham gia các cuộc họp vì để tổ chức các cuộc họp thì phải mời đích danh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thậm chí lãnh đạo các đơn vị cơ sở. Một tâm lý ngại họp, sợ họp cũng xuất hiện vì đã có một số trường hợp bị nhắc nhở, phê bình do vắng họp. Họp đã trở thành… “đặc sản” của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước của nước ta, gây lãng phí về nhân lực, thời gian. Điều quan trọng hơn, việc dành quá nhiều thời gian cho các buổi họp thì cán bộ sẽ không còn nhiều thời gian để đi cơ sở, tiếp xúc người dân và giải quyết công việc của người dân, của doanh nghiệp.

Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần cải thiện tình trạng họp theo hướng vừa giảm họp, vừa nâng cao chất lượng các cuộc họp. Để làm được điều này, trước tiên, các cơ quan đảng cần cải cách hành chính ở khâu ban hành nghị quyết, khắc phục tình trạng lạm phát nghị quyết như hiện nay. Theo đó, các nghị quyết phải đảm bảo được sự ổn định và mang tính chiến lược lâu dài, thay những nghị quyết chỉ đậm nét sự vụ. Các nghị quyết, chương trình cũng phải chứa đựng những nội dung cơ bản mang tính phương hướng, mục tiêu nhằm tạo nên “hệ xương sống” đến tận cở sở, dễ dàng trong triển khai thực hiện. Có như thế mới góp phần giảm nhiều cuộc họp nhằm tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết.

Như đã đề cập, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là phải tuân thủ thực hiện nhưng chúng ta cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu hơn. Theo đó, quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó và phải minh định được trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm của cá nhân. Đây cũng là khâu rất yếu hiện nay. Rất nhiều tình huống thực tế cho thấy, khi một đơn vị, một tổ chức nào đó thành công thì hầu như ai trong đơn vị, tổ chức đó cũng “có phần”. Thế nhưng, khi xảy ra hạn chế thì trách nhiệm được “đá” cho tập thể.

Ngoài ra, hiện nay có quá nhiều ban bệ, quá nhiều tổ chức cùng tồn tại nên phải họp mới có thể phối hợp, tổ chức thực hiện được. Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18 Trung ương 6, khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng sẽ có tác dụng tích cực giúp giảm họp. Một khi bớt các khâu trung gian, bớt các ban bệ thì tự nhiên số lượng các cuộc họp cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, khi thực hiện nghị quyết này đòi hỏi phải sàng lọc, chọn lựa lại những người có đức, có tài làm thật, việc thật, thay vì có những “cây sáng kiến nhưng không bao giờ đơm hoa kết trái”.

Đặc biệt, cải tiến họp tốt nhất là giảm họp trong quản lý và dành nhiều thời gian để họp với dân, lắng nghe dân. Nghĩa là cán bộ thay vì hội, họp liên tục thì dành thời gian đó đi cơ sở, tiếp xúc, lắng nghe người dân và “nói dân biết, làm dân tin”. Những cuộc họp như thế sẽ khiến người dân rất hài lòng! Một khi chính quyền làm tốt điều này thì sẽ không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời, các khiếu kiện của người dân, nhất là liên quan đến công tác giải tỏa, bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ giảm thiểu đáng kể.

Bác Hồ đã chỉ ra rằng, nhân dân chỉ quý mến những người có phẩm chất và tư cách đạo đức tốt. Vì vậy muốn hướng dẫn họ thì mình phải làm mực thước, cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chứ không chỉ họp nói suông, ngồi viết mệnh lệnh... Đồng thời, phải thật thà nhúng tay vào việc và cần lấy thực tế làm kết quả, chất lượng hoạt động khi đánh giá cán bộ.

Tin cùng chuyên mục