Giảm nghèo bền vững: Nhiệm vụ trọng tâm

Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của VN được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được Liên hiệp quốc đánh giá là một điển hình trong các nước đang phát triển. VN đã sớm xóa bỏ tình trạng thiếu đói và nghèo cùng cực, hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ và đang thực hiện mục tiêu tiếp theo giảm tỷ lệ nghèo từ 32% (năm 2000) xuống còn 15%-16% (năm 2010).

Một điểm đáng ghi nhận nữa là song song với việc tăng trưởng kinh tế nhanh, ta đã hạn chế được sự phân hóa xã hội theo hai cực giàu-nghèo, mầm mống gây nên sự bất ổn trong xã hội như một số nước có điều kiện hoàn cảnh giống như ta. Hệ số GINI, một chỉ số xem xét sự bất bình đẳng trong thu nhập của ta chỉ tăng từ 0,34% (năm 1993) lên 0,42% (năm 2000). Đạt được kết quả này là do Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo, điều hành đã cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng xã hội.

Thành tựu là vậy nhưng cần nhìn nhận một cách trung thực rằng: kết quả giảm nghèo của ta chưa thật bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn. Chỉ cần một trận bão lụt, dịch bệnh là nhiều hộ vừa thoát nghèo lập tức rơi xuống dưới ngưỡng nghèo. Cơn bão số 4 vừa qua đã đẩy một bộ phận không nhỏ đồng bào ta ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang) lâm vào cảnh trắng tay, tài sản, hoa màu bị lũ cuốn trôi.

Dịch cúm gia cầm H5N1, dịch heo tai xanh, dịch trâu bò lở mồm long móng đã làm hàng loạt hộ nông dân điêu đứng. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số có chiều hướng gia tăng trong tổng số hộ nghèo, từ 20% (năm 1993) lên 36% (năm 2006). Đặc biệt là cơn lạm phát làm giá cả leo thang chóng mặt từ đầu năm đến nay (hiện đang được kềm chế) đã tác động mạnh đến mọi tầng lớp dân cư mà nặng nề nhất là lớp người nghèo ở nông thôn và thành thị, làm cho cuộc sống vốn khó khăn càng khó khăn thêm.

Từ thực trạng trên, việc giảm nghèo bền vững phải là nhiệm vụ trọng tâm. Tinh thần này được đưa ra tại cuộc tọa đàm báo chí do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức tại Hà Nội nhân ngày “Vì người nghèo VN” và ngày “Thế giới xóa đói giảm nghèo” (17-10).

Tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành (y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi), tập trung hỗ trợ giải quyết việc làm, sinh kế thông qua trợ giúp các điều kiện về dịch vụ sản xuất, dạy nghề, nâng cao dân trí cho người nghèo. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống… Ngoài ra Chính phủ đã xác định 61 huyện nghèo nhất nước để đầu tư, trợ giúp ưu tiên thoát nghèo.

Ta đã thành công trong xóa đói, lẽ nào lại không thành công trong giảm nghèo một cách bền vững.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục