
Trước diễn biến ghi nhận 2 ca mắc dịch bệnh do virus teo não (Zika) tại TPHCM và Khánh Hòa, ngày 5-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã khảo sát thực địa và làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng chống. Bộ Y tế nhấn mạnh tập trung triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng để hạn chế dịch Zika lây truyền.

Bộ Y tế làm việc với UBND TPHCM
Trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại TPHCM được xác định là Phạm Thị Hương L. (33 tuổi, ngụ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Trước đó, ngày 29-3, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện quận 2 và được các bác sĩ ở đây ghi nhận bị sốt, phát ban, đau mỏi cơ, khớp. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết mặc dù triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân không điển hình nhưng với chuyên môn được tập huấn, các bác sĩ nghi ngờ mắc Zika nên đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TPHCM đúng quy trình.
PGS.TS Phan Trọng lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho hay, qua điều tra dịch tễ, xác định nữ bệnh nhân dương tính với Zika hiện đang mang thai 8 tuần tuổi. Điều tra dịch tễ ban đầu ghi nhận, bệnh nhân có chồng công tác trong lĩnh vực dầu khí, đang làm việc tại Malaysia. Chồng của chị vừa về nước từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 3 và đã trở lại Malaysia. Thông tin từ bệnh nhân chia sẻ, suốt quảng thời gian chồng về nước, hai người không có quan hệ tình dục nên bước đầu tạm loại trừ nguyên nhân Zika lây nhiễm qua con đường này. Theo PGS Lân, chủng virus Zika được xác định cùng chủng loại virus được phát hiện tại Brazil. Vì thế, nhiều khả năng ca bệnh này có thể mang yếu tố ngoại lai. ..Ngay sau khi xác định ca bệnh này, sáng 5-4, đoàn công tác Bộ Y tế đã trực tiếp thị sát, kiểm tra đột xuất nơi làm việc và sinh sống của bệnh nhân. Qua nắm bắt giám sát dịch tễ, bệnh nhân L. được xác định đang làm việc cho một công ty tại tòa nhà PetroVietNam (đường Lê Duẩn, quận 1). Làm việc với Ban quản lý tòa nhà , bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, đại diện quản lý, cho biết tại đây hiện có tổng cộng 21 công ty với khoảng 1.200 nhân viên đang làm việc. Dù không có công ty nước ngoài nhưng tòa nhà thường xuyên đón tiếp khách nước ngoài qua lại, trong đó có một hãng hàng không có đặt văn phòng. Bà Phượng cũng cho biết thường xuyên định kỳ diệt côn trùng trong và xung quanh tòa nhà. Riêng bể chứa nước cho tòa nhà có phun hóa chất diệt lăng quăng, muỗi. Việc diệt muỗi và côn trùng được triển khai ở cả tầng nổi lẫn khu vực các tầng hầm và đường cống…
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Kim Tiến nhận định, dù nguyên nhân nhiễm bệnh tại tòa nhà là rất thấp nhưng không thể loại trừ. Trước mắt, ngành y tế thành phố phải thực hiện công tác phun hóa chất diệt muỗi trong tòa nhà và các khu vực lân cận gồm những tòa nhà hành chính, nhà dân quanh khu vực, bên cạnh đó toàn bộ khuôn viên của công viên Thảo Cầm Viên (cạnh tòa nhà) cần phải được phun hóa chất diệt muỗi, nhanh chóng kiểm soát, không để bệnh lây lan trên diện rộng… Sau khi thị sát thực tế nơi làm việc của bệnh nhân, đoàn công tác Bộ Y tế đến kiểm tra thực địa tại gia đình và khu vực bệnh nhân sinh sống. Thực tế ghi nhận, tại địa phương, công tác vệ sinh môi trường và diệt muỗi diễn ra định kỳ, mật độ muỗi và lăng quăng lưu hành với mức độ thấp. Cha bệnh nhân là ông Phạm Tuấn K. cho hay thời gian gần đây con gái ông không đi nước ngoài và cũng không đến các địa phương khác mà chủ yếu ở nhà và đến nơi làm việc. Khoảng 1 tuần trước, con của bệnh nhân L. là bé Đỗ Minh Q. (3 tuổi) cũng bị sốt cao, nhưng hiện cháu đã khỏi bệnh.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác Bộ Y tế đã làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch Zika. PGS Phan Trọng Lân báo cáo đã thiết lập 30 điểm giám sát Zika là những nơi có mật độ muỗi cao, có hành khách về từ các vùng dịch cư trú nhiều… Tuy nhiên, theo PGS Lân, nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi phát triển, muỗi tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Riêng địa bàn quận 2, đang là điểm “nóng” giám sát, BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết đã triển khai tập huấn giám sát Zika và tiếp tục lấy mẫu bệnh nhân nghi ngờ, chú ý thai phụ đến khám thai nếu phát hiện có phát ban, mỏi cơ, không đau đầu thì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) lưu ý trong quá trình chăm sóc, khám thai ở các cơ sở sản khoa công và tư cần phải thực hiện khám sàng lọc, hướng dẫn chăm sóc mang thai trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu nghi ngờ thì cho xét nghiệm Zika.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, kiến nghị cần ưu tiên sàng lọc, chuẩn bị trước khả năng và có sự phối hợp để đề phòng lo lắng của nhiều sản phụ đổ xô đi xét nghiệm. Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em, sản phụ thuộc nhóm nguy cơ cao, sốt phát ban hoặc đang sinh sống có đến vùng dịch, sốt phát ban, đau mỏi cơ khớp…mới cho xét nghiệm. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị để đáp ứng cho người bệnh. Nếu xuất hiện ca bệnh trước mắt, bệnh viện có thể đáp ứng được…
Trước diễn biến phức tạp của dịch Zika, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động trong công tác tiếp cận, tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân để người bệnh ổn định tâm lý. Mặt khác, bác sĩ cần định hướng để bệnh nhân đến kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các bệnh viện sản nhi. Trong quá trình chăm sóc cho người bệnh, phải theo dõi thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe, đặc biệt là tật đầu nhỏ ở trẻ (nếu có) để kịp thời và chủ động xử lý trong mọi tình huống. Phó Chủ tịch UBND cũng lưu ý Sở Y tế chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh, không phân biệt cơ quan báo chí nhưng cần thông tin chính xác để tránh đưa thông tin không được biên tập kỹ, gây hoang mang…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu tăng cường công tác giám sát trong cộng đồng. “Những
người đi từ vùng dịch, có người thân đi từ vùng dịch về, vùng có nhiều muỗi nếu có biểu hiện bệnh nên đi khám, không hoang mang đổ xô đến bệnh viện”, Bộ trưởng Y tế nhắn nhủ. Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị Cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiếp tục tờ khai hải quan, cơ quan y tế lấy thông tin từ cửa khẩu để biết được thông tin lưu trú của người bệnh, giám sát dịch dễ dàng hơn. Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng ở các khu vực có nguy cơ cao, sau đó mở rộng ra toàn bộ thành phố.
TƯỜNG LÂM
>>Phụ nữ mang thai cần cảnh giác cao virus Zika