Giảm thiểu nguy cơ ngộ độc

Vào ngày 10-1 tới, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” với chủ đề bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán sẽ diễn ra trên toàn quốc. Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp tết được Cục ATVSTP, Bộ Y tế tổ chức, cho thấy trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe người dân nhưng cũng cảnh báo tình trạng vi phạm các quy định về ATVSTP, cũng như ngộ độc thực phẩm ở nước ta đang diễn ra vô cùng phức tạp.

Tình hình càng trở nên nóng bỏng hơn khi càng gần đến tết, số vụ vận chuyển, sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hóa chất phụ gia thực phẩm độc hại được các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện tại nhiều địa phương. Không chỉ có vậy, Cục ATVSTP cho biết trong hơn 100.000 mẫu thực phẩm được lấy để xét nghiệm năm qua, phát hiện tới 18% số mẫu không đạt chất lượng do sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép. Thậm chí có nhiều loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày và nhiều trong dịp tết như bánh mứt kẹo, đồ khô, xúc xích, dăm bông, nước giải khát... bị tẩm ướp vô vàn hóa chất độc hại, có hàm lượng cực cao, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng lo ngại hơn, mới đây đợt kiểm tra thị trường thực phẩm tại phía Nam của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, đã phát hiện có tới 27% số mẫu nước tương, tương ớt nhiễm vi sinh, 33,3% số mẫu mì, phở, bánh canh và 37,5% số mẫu chả cá các loại nhiễm hàn the, 33% số bột ớt, hạt dưa nhiễm chất Rhodamine B gây ung thư và 100% số mứt đóng gói xét nghiệm đều nhiễm hóa chất tẩy trắng công nghiệp. 100% mẫu thịt heo ở các chợ đều không đạt về chỉ tiêu Ecoli và S.aureus (bệnh tụ cầu vàng). Phần lớn mẫu rượu được lấy ngẫu nhiên trên thị trường đều không đạt chỉ tiêu Aldehyte, cũng như không đảm bảo ATVSTP.

Thực tế những con số cảnh báo trên chỉ là phần nổi của tảng băng về ATVSTP đang diễn ra khiến người dân rất lo lắng và bức xúc. Trong khi đó, vai trò và trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc gác cửa, giám sát và ngăn chặn thực phẩm nguy hại lại rất mờ nhạt vì lực lượng thanh tra, kiểm tra giám sát từ trung ương tới địa phương... vừa thiếu vừa yếu.

Trong năm qua, cả nước xảy ra 105 vụ ngộ độc thực phẩm, đã khiến hơn 4.800 người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó 17 người tử vong. Ăn gì, uống gì trong dịp tết để bảo đảm an toàn sức khỏe và cả tính mạng đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình.  ATVSTP trở thành vấn đề dân sinh có ảnh hưởng rất lớn đến mọi gia đình.

Vì vậy để ngăn chặn, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cũng như người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của mình. Cần chủ động đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý công khai, triệt để mọi trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Khánh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục