Việt Nam là nước có đường biên giới khá dài, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia nên hoạt động buôn lậu diễn ra hầu hết ở các vùng biên có địa hình thuận lợi. Buôn lậu suốt ngày đêm đã và đang là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nước ta. Đến nay, dù chưa có con số thống kê chính thức lượng hàng nhập lậu tuồn vào trong nước hàng năm nhưng số lượng chắc chắn không nhỏ, vì hầu như khắp các đô thị lớn, nhỏ đều có hàng lậu với đủ chủng loại. Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước phải gồng mình chống lạm phát và đối phó với biến động tỷ giá, hàng lậu càng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đe dọa phá vỡ chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Thời gian qua, chống buôn lậu luôn là công tác được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là ở các địa phương vùng biên. Chính phủ cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt ngăn chặn hàng nhập lậu nhưng hoạt động buôn lậu vẫn không thuyên giảm. Hàng lậu theo mọi ngóc ngách và cách thức tuồn vào trong nước ngày đêm, bởi giới đầu cơ, bởi lợi nhuận, thậm chí là sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất và quan trọng hơn là của người tiêu dùng trong nước. Do vậy, chống buôn lậu đang là vấn đề làm đau đầu các cấp thẩm quyền. Nhiều giải pháp đưa ra, kể cả bắt giữ, truy tố đối tượng buôn lậu nhưng tình hình vẫn không chuyển biến là bao. Mỗi khi lực lượng vào đợt truy quét, tình hình lắng xuống nhưng chỉ cần lơ là một chút, buôn lậu lại nhộn nhịp. Thậm chí những lúc lực lượng chức năng làm căng, dân buôn lậu chống trả quyết liệt. Trong thực tế đã có nhiều vụ chống trả đe dọa đến tính mạng của người làm công tác chống buôn lậu.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta bó tay trước nạn hàng lậu. Hiện chính quyền địa phương các tỉnh vùng biên đang tập trung xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu dọc biên giới, mở siêu thị miễn thuế, đồng thời lãnh đạo các địa phương cũng hợp tác chống buôn lậu với nước bạn. Tuy nhiên, một khi giá hàng hóa trong và ngoài đường biên còn chênh lệch quá cao; cư dân sống ở khu vực biên giới còn nghèo thì buôn lậu còn hoành hành. Thực tế, dọc biên giới ĐBSCL đi qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang hầu như không có xí nghiệp, nhà máy… trong khi dân không nghề, không ruộng, không việc làm ngày càng nhiều, đời sống chật vật. Nhiều hộ phải đi đai vác hàng lậu kiếm gạo ăn. Chính quyền các xã đều biết việc này, nhưng lực bất tòng tâm…
Đáng phê phán hơn là tâm lý thích tiêu dùng hàng ngoại của người dân trong nước. Thái độ này là hành động tiếp tay cho buôn lậu có đất phát triển. Nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không với hàng lậu, hàng lậu chắc chắn sẽ không tràn ngập từ chợ quê đến chợ thành. Thêm nữa, nếu hàng trong nước luôn có chất lượng tốt, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, không có lý gì người tiêu dùng lại sử dụng hàng ngoại. Vấn đề đặt ra cho giới doanh nghiệp là phải đổi mới chiến lược kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất, nghiên cứu các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu, các chủng loại hàng có khả năng phát triển mạnh trên thị trường nội địa, cải tiến quy trình công nghệ để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng và phù hợp thị hiếu khách hàng.
Đồng thời, để góp phần ngăn chặn tận gốc vấn nạn buôn lậu, trước hết chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý các chợ vùng biên, kiên quyết không để hàng lậu, hàng trôi nổi thâm nhập. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nhân dân vùng biên giới hiểu rõ tác hại của hàng lậu đối với nền kinh tế đất nước, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người dân. Đồng thời, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quan, quản lý thị trường và bộ đội biên phòng đề ra những biện pháp kiên quyết ngăn chặn dòng thác hàng lậu đang tràn vào làm lũng đoạn thị trường hàng hóa nội địa, đe dọa tới sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, tích cực, kiên trì vận động người tiêu dùng “Nói không với hàng lậu, hàng giả”. Chỉ khi toàn xã hội vào cuộc chúng ta mới có thể kỳ vọng ngăn chặn được vấn nạn hàng lậu.
TRẦN MINH TRƯỜNG