Gian nan đòi bồi thường án oan

Trong thời gian gần đây, các cơ quan tố tụng để xảy ra một số vụ án hình sự oan sai, khiến người bị oan sai phải chịu nhiều thiệt hại như bị giam, mất danh dự, dang dở việc học, mất việc, có khi gia đình tan nát. Sau khi được minh oan, những nạn nhân ấy còn phải rất gian nan đòi một lời xin lỗi, đòi bồi thường.
Gian nan đòi bồi thường án oan

Trong thời gian gần đây, các cơ quan tố tụng để xảy ra một số vụ án hình sự oan sai, khiến người bị oan sai phải chịu nhiều thiệt hại như bị giam, mất danh dự, dang dở việc học, mất việc, có khi gia đình tan nát. Sau khi được minh oan, những nạn nhân ấy còn phải rất gian nan đòi một lời xin lỗi, đòi bồi thường.

Chi phí thăm nuôi cũng phải có hóa đơn

Như Báo SGGP đã đưa tin, tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, TAND tỉnh Cà Mau đã công khai xin lỗi người bị oan sai là anh Trần Hồng Nguyên. Theo hồ sơ vụ án, tháng 7-2011, anh Nguyên bị cáo buộc hiếp dâm cháu gái mới 7 tuổi, con nhà hàng xóm và bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 24-4-2013, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử và kết án anh Nguyên 13 năm tù giam. Ngày 22-7-2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau đó, anh Nguyên được đình chỉ điều tra và trả tự do.

Luật sư tranh luận tại phiên tòa

Ông Trần Trọng Hữu, Phó Chánh án TAND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Việc để xảy ra oan sai đã gây tổn thất lớn về vật chất và danh dự, tinh thần đối với anh Nguyên cùng gia đình”. Quả thực, anh Nguyên là một người lao động chính trong gia đình, làm nghề thu mua cá mắm ở địa phương, kể từ khi anh bị bắt với cáo buộc về hành vi nhục nhã, thì gia đình lâm vào cảnh khốn khổ. Vợ anh phải chuyển 2 con nhỏ đi nơi khác sinh sống để các bé khỏi mặc cảm, cha mẹ anh phải ngược xuôi thăm nuôi, mang đơn gửi khắp nơi kêu oan, còn anh thì sinh bệnh trong trại giam. Khi anh Nguyên được minh oan, trở về, các mối lái làm ăn không còn nữa. Tưởng cuộc đời sáng sủa sau khi thoát trại giam, nào ngờ anh phải đối diện với thất nghiệp, phải hàng ngày chịu đựng những ánh mắt nghi ngại, nên anh quyết định kiện yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm, yêu cầu tòa xin lỗi anh…

Hành trình đòi bồi thường án oan rất gian nan, anh Nguyên lại phải mất thêm hơn 1 năm kiện tụng. Ban đầu TAND tỉnh Cà Mau chỉ chịu bồi thường chưa đến 300 triệu đồng cho 3 năm tù oan. Những chi phí khác như đi xe ôm thăm nuôi mỗi lượt hơn 100km, tiền mua thuốc trị bệnh, tiền mua quà thăm nuôi… đều không được chấp nhận vì không có… hóa đơn. Tòa cũng đòi anh Nguyên phải có hóa đơn chứng từ thu nhập của anh trong việc kinh doanh cá mắm ngày trước để chứng minh được tổn thất trong kinh doanh. Cả gia đình đã phải rất vất vả, để cuối cùng sau 3 năm bị tù oan và hơn 1 năm theo đuổi vụ kiện, anh Nguyên mới được tòa nâng số tiền bồi thường lên thành 669 triệu đồng.

Chưa bồi thường tổn thất danh dự nhân phẩm

Một người bị án oan khác là Tô Phương Trọng, cũng bị Công an tỉnh Cà Mau khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em, lúc đó Trọng mới 14 tuổi. Dù trong hồ sơ có nhiều điểm mâu thuẫn về giám định cũng như lời khai, nhưng TAND  tỉnh Cà Mau vẫn tuyên phạt Trọng 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. Xét thấy vụ án có dấu hiệu oan sai nên TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án. Cuối cùng, Viện KSND tỉnh Cà Mau cũng không thể chứng minh tội phạm nên đã đình chỉ vụ án. Trọng được trả tự do sau gần 4 năm bị giam giữ, và Viện KSND tỉnh Cà Mau bồi thường 250 triệu đồng cho 4 năm tù oan, tổn hại danh dự, phải bỏ học nửa chừng, tương lai mờ mịt. 

Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), người bảo vệ quyền lợi cho các đương sự, bức xúc: Những vụ án oan này khiến người bị oan và gia đình họ chịu tủi nhục, có người phải bỏ học nửa chừng mất cả tương lai, có người bị mất việc, thậm chí có người tan nát gia đình, thế nhưng khi đòi bồi thường “tổn thất về danh dự nhân phẩm” thì không được chấp nhận, vì các cơ quan tố tụng cho rằng Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước không có quy định bồi thường với khoản này, nên không có căn cứ để chấp nhận. Còn những thiệt hại vật chất thực tế thì bị đòi phải có hóa đơn mới bồi thường, trong khi ai cũng biết ở xã hội ta thì đi xe ôm, ăn dĩa cơm, hay giao dịch mua bán giữa người dân với nhau đâu có hóa đơn. Những đòi hỏi rất bất hợp lý đó đã khiến những người bị oan phải tốn hàng năm trời mệt mỏi đi tìm người làm chứng, những giấy xác nhận, trong khi đáng ra họ đương nhiên được bồi thường.

Điều cần nhớ là trong những vụ án oan sai, lỗi không thuộc về người bị oan, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, người bị oan đã phải chịu quá nhiều oan nghiệt rồi, do vậy, rất cần Quốc hội sửa đổi, bổ sung điều luật chưa phù hợp thực tế cuộc sống về việc bồi thường danh dự, nhân phẩm, không buộc người bị oan sai phải chứng minh thiệt hại bằng hóa đơn, chứng từ. Trong thực tế hoạt động giao dịch mua bán hàng ngày thường không có hóa đơn, sao lại buộc người bị oan sai phải có, để chứng minh, mới được bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó cũng rất cần người thực thi pháp luật khi tính tổn thất thực tế đừng nên quá cứng nhắc, để việc bồi thường thể hiện được tính nhân văn.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục