Gian truân đi học chữ chuyên

Trái với tâm trạng háo hức và hạnh phúc ở ngày ra đi, lúc này đây, trên đất Bồ Đào Nha, tiền đạo Lê Công Vinh đang nóng lòng đợi ngày trở về Việt Nam. Chuyến học việc ở CLB Leixoes coi như không thành, khi Vinh đã nỗ lực hết mình, đã chứng tỏ trình độ của mình không tệ đến nỗi không tìm được một suất đá dự bị trong đội hình của đội bóng Bồ Đào Nha. Chỉ tiếc, ông HLV trưởng không trao cho anh cơ hội dù là nhỏ nhất.

Một tháng đã trôi qua mà giống một quãng thời gian dài đối với Công Vinh. Anh ngán cái cảm giác cô đơn trên đất khách, lạc lõng giữa trời Âu và không được học việc một cách đàng hoàng, có lợi cho bản thân. Chính vì thế, từ châu Âu, Công Vinh thừa nhận hơn lúc nào hết, anh rất muốn về lại Việt Nam để chơi bóng, chơi cho ĐTQG và chơi giữa những đồng đội thân quen, thay vì sống mòn để đợi chờ một phép lạ xảy ra…

Công Vinh xuất ngoại. Công Vinh muốn về cống hiến cho ĐTQG âu cũng là lẽ thường. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, khi tiền đạo từng góp công lớn trong chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á hồi năm ngoái bày tỏ nguyện vọng cháy bỏng của mình, một số người lại cho đó là điều dở và khuyến cáo HLV Henrique Calisto không nên quá ưu ái để anh trở lại.

Giới truyền thông trong nước đôi khi quá khắt khe trong những đánh giá về chuyến xuất ngoại của Công Vinh. Ngay từ đầu, nhiều người coi chuyện này là vô bổ, là tốn tiền bạc của CLB T&T Hà Nội. Nhưng nếu không tạo cú đột phá, không đưa cầu thủ Việt Nam một lần sang châu Âu thử sức với bạn bè, chúng ta sẽ chẳng bao giờ khá lên. Trước đây, cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á Kiatisak (Thái Lan) cũng từng đến Anh quốc học việc, và dù không tìm được chỗ đứng ở CLB Huddersfield nhưng giới chức bóng đá Thái Lan vẫn coi đó là điều bổ ích. Bởi rõ ràng, từ chuyến ra đi của Kiatisak, về sau này, những đàn em của Kiatisak như Teerathep, Susee Sukha, Keatpawut... lần lượt được tạo cơ hội sang học việc ở các CLB Everton, Crystal Palace với mục đích học hỏi bản thân và cải thiện trình độ cho cả một nền bóng đá. Người Thái đã làm được chuyện đó, thì tại sao Việt Nam không làm được? Thế nên, nếu trải lòng mà đánh giá, thì chuyến học việc của Lê Công Vinh ở Bồ Đào Nha có thể đã mang một ý nghĩa khác tốt đẹp hơn.

Bóng đá suy cho cùng cũng là một cuộc chơi, mà ở đó, Công Vinh hay bất kỳ cầu thủ nào đó buộc phải chấp nhận thực tế khắc nghiệt rằng, không phải bao giờ sự nghiệp của họ cũng được trải dài trên tấm thảm đỏ. Có thể ở Việt Nam, Lê Công Vinh là ngôi sao hàng đầu. Nhưng đến học việc ở một xứ sở bóng đá tiên tiến hơn của châu Âu như Bồ Đào Nha, Vinh cũng bình thường như những đồng đội lạ lẫm xung quanh mình vậy. Và khi ra đi cùng với sự kỳ vọng lớn lao, nếu mục tiêu làm mới mình bất thành, người ta dễ chán chường âu cũng là lẽ bình thường.

Trước mắt ĐTQG là 2 trận đấu then chốt, quyết định tấm vé dự vòng chung kết Asian Cup 2011, nên lực lượng tinh nhuệ nhất cần tập trung đầy đủ. Công Vinh cũng nên được xem là một trong số đó. Vì thế, khi tiền đạo này bày tỏ mong muốn trở về khoác áo ĐTQG, giới chức bóng đá Việt Nam cũng nên mở tấm lòng với Vinh và sau này với nhiều cầu thủ khác nữa. Thu phục lòng người để phục vụ mục tiêu lớn là điều khó, nhưng cũng dễ nếu cách thu phục ấy uyển chuyển và vì cả sự phát triển của một nền bóng đá.

Lê Quang

Tin cùng chuyên mục