Nhiều diện tích vỉa hè ở TPHCM bị chiếm dụng nhằm mục đích kinh doanh, làm bãi giữ xe… gây ra cảnh nhếch nhác, khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Để lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, chính quyền các địa phương đã phải rất gian truân giữ vẹn vỉa hè.
Nơi kiên trì, nơi bỏ lơ
Trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) luôn có cảnh chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. Dù chính quyền địa phương có phân công lực lượng trực gác hàng ngày nhưng vẫn không sao dẹp được. Mỗi ngày, từ 7 giờ, khi lực lượng đô thị quận 1 ra trực gác thì những người bán hàng rong đẩy xe qua bên kia đường thuộc địa phận quận 3 rồi đậu dưới lòng đường buôn bán. Hết buổi trưa, lực lượng đô thị quận 1 về thì những người bán hàng rong quay lại trước cổng bệnh viện tiếp tục bán. Hôm nào, quận 1 và quận 3 cùng ra quân một lượt, những người bán hàng rong đẩy xe đi chỗ khác, chờ êm sẽ quay lại bán. Cũng xảy ra tình trạng tương tự ở vỉa hè đường An Dương Vương (quận 5), trước cổng hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Sài Gòn, cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Đã xảy ra những vụ căng thẳng, xô xát giữa những người bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè và lực lượng giải tỏa. Giữa tháng 12-2016, nhiều người dân ở đường Tân Thọ (phường 8, quận Tân Bình) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP thông tin vừa xảy ra cự cãi lớn tiếng, dẫn đến xô xát giữa người dân với lực lượng trật tự đô thị. Khi phóng viên đến xác minh sự việc, Chủ tịch UBND phường 8 xác nhận có xảy ra sự việc căng thẳng do người buôn bán đậu xe lấn chiếm lòng lề đường đã lớn tiếng, chống cự lực lượng trật tự đô thị quận. Để minh chứng, Chủ tịch UBND phường đã mở cho xem đoạn clip ghi lại sự việc. Lúc bị phạt, chủ phương tiện không chịu xuất trình giấy tờ chiếc xe máy dựng bày bán hàng dưới lòng đường nên đã bị lập biên bản tạm giữ xe. Sau đó, chủ phương tiện lớn tiếng chửi bới, hù dọa lực lượng chức năng. Chưa dừng lại, một người đã giật thẻ nhân viên của một nhân viên trật tự vứt xuống đất, rồi tiếp tục quay qua tát vào mặt nhân viên khác. Đến khi công an phường đến thì sự việc mới lắng xuống và người cự cãi mới chịu xuất trình giấy tờ chiếc xe. Nếu như người bị phạt chịu xuất trình giấy tờ ngay từ đầu thì đã không xảy ra sự việc căng thẳng như vậy.
Thực tế việc lập lại trật tự vỉa hè gian truân như vậy. Nhiều người bán hàng rong thấy lực lượng trật tự đô thị xuất hiện thì đẩy xe chạy đi; nhưng nếu bị giữ lại lập biên bản xử lý thì lớn tiếng hù dọa, thậm chí chửi bới, chống cự khi bị tịch thu hàng hóa, xử phạt. Vì vậy, nhiều địa phương chùn tay, ngại ngần việc tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, hoặc phải có lực lượng công an phối hợp.
Ngăn chiếm dụng vỉa hè bằng cách... rào lại
Thay vì phải giải tỏa nạn buôn bán chiếm dụng vỉa hè rồi phải trực gác để giữ rất gian truân như vậy, hiện nay, có một số nơi chính quyền địa phương chọn giải pháp cho làm hàng rào ra đến sát lòng đường để lấy vỉa hè làm bãi giữ xe máy, chỉ chừa lại một lối đi nhỏ hẹp bên trong cho người đi bộ. Một đoạn vỉa hè dài ở đường Hùng Vương bên hông Bệnh viện 30-4 (phường 9, quận 5) đã bị rào chắn làm bãi giữ xe. Mới đây, đoạn vỉa hè từ đường Thuận Kiều kéo dài đến Nguyễn Chí Thanh trước Bệnh viện Chợ Rẫy (phường 12, quận 5) cũng đã bị rào chắn làm bãi giữ xe máy. Tương tự, vỉa hè khu vực Công viên Phú Lâm và chợ Minh Phụng (quận 6) cũng đã bị vây chắn bằng hàng rào.
Sau khi vỉa hè trước Bệnh viện Chợ Rẫy bị rào chắn làm bãi giữ xe,những người bán hàng rong tràn luôn xuống lòng đường để buôn bán
Cách rào chắn vỉa hè chỉ giải quyết được nơi làm bãi giữ xe, có thêm nguồn thu từ các bãi giữ xe này, chứ không đáp ứng mục tiêu giải tỏa nạn chiếm dụng lòng lề đường và giữ mỹ quan đô thị. Giải tỏa vỉa hè bị người bán hàng rong chiếm dụng, để rồi cho chiếm dụng vỉa hè làm bãi giữ xe không phải là giải pháp hiệu quả. Người đi bộ vẫn bị đẩy xuống lòng đường, vì không dám đi trong lối đi chừa lại nhỏ hẹp bên trong rất mất vệ sinh. Thực tế sau khi rào chắn vỉa hè làm bãi giữ xe được ít lâu thì quanh Bệnh viện Chợ Rẫy cũng xuất hiện lại những người bán hàng rong. Không còn chỗ đậu xe bán hàng rong trên vỉa hè, họ để xe ngay dưới lòng đường bán nước giải khát cho những người ngồi uống bên trong hàng rào sắt. Người đi bộ qua đây bị đẩy thẳng ra gần giữa đường.
Ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết: “Để lập lại trật tự lòng lề đường, quận đã học hỏi cách làm từ các quận khác, thấy mô hình rào vỉa hè có hiệu quả nên áp dụng thử nghiệm. Bước đầu, trước chợ Minh Phụng không còn xảy ra tình trạng buôn bán chiếm dụng vỉa hè. Tuy nhiên, khu vực Công viên Phú Lâm cũng còn một số người bán hàng rong chuyển sang xe đẩy đứng bán dưới lòng đường. Ngoài ra, quận cũng thực hiện kẻ vạch sơn trên vỉa hè 8 tuyến đường trọng điểm để ngăn việc buôn bán lấn ra”.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp để dễ xử lý việc chiếm dụng vỉa hè, còn chủ yếu vẫn phải có lực lượng trật tự đô thị thường xuyên đi tuần. Chính quyền các phường giáp ranh cần tổ chức phối hợp liên tục, kiên trì.
QUÝ NGỌC