Thực tế cho thấy, việc vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch vừa phải tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải luôn là một bài toán khó. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy tuyệt đối không được lơ là, lộ trình mở cửa cần thực hiện an toàn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kế hoạch hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách mà Bộ GTVT vừa ban hành đã có sự mềm dẻo, linh hoạt hơn, phù hợp với giai đoạn các địa phương đồng loạt nới lỏng giãn cách xã hội. Trong đó, những điểm mới như khôi phục vận tải hành khách với quy mô tương ứng 4 cấp độ dịch, không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm vaccine, đã khỏi bệnh Covid-19... được doanh nghiệp và người dân đồng tình. Nhưng vấn đề đặt ra là, mục tiêu thống nhất các quy định phòng, chống dịch giữa các địa phương của kế hoạch này có đạt được hay không, nhất là khi việc quản lý giao thông, vận tải trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Do quá lo ngại về công tác phòng chống dịch, nhiều địa phương đã đưa ra những quy định riêng, không thống nhất, thậm chí trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế. Nếu tiếp tục cách làm và quan điểm chống dịch không thống nhất như vậy, việc khôi phục vận tải hành khách chắc chắn sẽ lại gặp khó khăn, vướng mắc, công tác phòng chống dịch đã khó lại càng thêm rối.
Và, khó khăn vướng mắc đã xuất hiện ngay sau khi TPHCM bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là thời điểm thành phố rất cần đón nhân lực từ các địa phương quay trở lại làm việc để từng bước hồi phục kinh tế. Đồng thời, các trường hợp có nhu cầu, hoàn cảnh riêng muốn được rời khỏi thành phố trở về quê cũng cần được tạo điều kiện. Nếu các địa phương không phối hợp kiểm soát, để việc đi lại tự phát như những ngày vừa qua thì nguy cơ lây lan dịch, ùn tắc và mất an toàn giao thông là rất cao.
Để khắc phục vấn đề này, TPHCM vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đề nghị xem xét thống nhất phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM và các tỉnh. Bộ GTVT cũng đã có công điện đề nghị các địa phương phối hợp trong việc đưa đón người dân có nhu cầu về quê.
Mới đây nhất, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa, đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hoạt động GTVT cần thực hiện thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và cả sự hợp tác của người dân. Tổ chức giao thông trong giai đoạn mới phải trên tinh thần tạo điều kiện để việc đi lại được thuận lợi, không tạo ra các rào cản riêng làm khó người dân. Nhưng, đồng thời, các tiêu chí, phương án phòng, chống dịch vẫn cần phải được tuân thủ. Mục tiêu hồi phục kinh tế là rất quan trọng, nhưng nếu không đảm bảo an toàn phòng chống dịch và an toàn giao thông thì mọi nỗ lực của chúng ta sẽ không còn giá trị.