Trong những ngày giáp tết, tại một số tuyến đường cửa ngõ và khu vực trung tâm TPHCM và Hà Nội đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Chương trình VOV giao thông đầy ắp thông tin nhưng cũng khó giúp ích vì các phương tiện đều đã ùn ứ từ trước giờ chương trình này phát sóng.
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH
Ùn ứ kéo dài
Ghi nhận tại một số tuyến đường cửa ngõ ra vào TPHCM như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đinh Bộ Lĩnh (đoạn từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến giao lộ Bạch Đằng), Ung Văn Khiêm (đoạn từ ngã năm đài liệt sĩ đến giao lộ đường D2, quận Bình Thạnh)…, những ngày này luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do lượng phương tiện lưu thông qua lại đông.
Trưa 11-2, có mặt tại tuyến xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Bình Thái đến trạm thu phí xa lộ Hà Nội), ở làn đường dành cho ô tô, xe khách, xe tải, các phương tiện nối đuôi nhau thành hàng dài khoảng 2km. Do đường bị ùn ứ nên nhiều phương tiện xe buýt, xe khách, xe hơi phải “lách” vào làn đường dành cho xe gắn máy để lưu thông. Tương tự, ở tuyến đường Mai Chí Thọ (từ ngã ba Cát Lái về nút giao An Phú, quận 2), dòng xe tải, xe container ra vào cảng Cát Lái cũng xếp hàng dài trên đường nhích từng tí một giữa cái nắng như lửa đốt.
Ở một số tuyến đường khu vực trung tâm TPHCM trong những ngày này cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ khiến người dân phải vất vả lưu thông có nhiều người còn phải leo lên vỉa hè nhằm tìm lối thoát.
Lý giải về tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực trung tâm TP, chiều 11-2, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết: Do hiện nay ở khu vực trung tâm TP đang triển khai thi công dự án cải tạo nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Huệ và xây dựng ga Nhà hát TP thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên nên các tuyến đường lân cận như Pasteur, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng… phải “gánh” thêm lượng phương tiện lưu thông, dẫn đến tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm chứ chưa xảy ra tắc đường. để đảm bảo an toàn giao thông, sở đã phối hợp với Công an TP bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong vào giờ cao điểm chốt chặn ở các khu vực ngã ba, ngã tư các tuyến đường này để điều tiết giao thông linh hoạt; đồng thời lập trình hệ thống camera giám sát tình hình giao thông ở khu vực trung tâm để theo dõi xử lý kịp thời.
Kẹt xe hàng dài trên đường Mai Chí Thọ đoạn từ ngã ba Cát Lái đến nút giao An Phú, quận 2, TPHCM trưa 11-2.
Tại Hà Nội, dường như mọi nỗ lực giảm ùn tắc giao thông đều không có tác dụng khi những ngày này, người dân cứ ra đường là gặp ùn tắc. Cảnh ùn tắc kéo dài, liên hoàn trên nhiều tuyến phố khiến mọi hoạt động giao dịch của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ùn ứ đáng sợ nhất là các tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Xã Đàn, Kim Mã, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch... Cảnh thường thấy ở những tuyến đường này là dòng phương tiện ken cứng nhích từng chút hướng về khu vực trung tâm.
Đặc biệt, đường Nguyễn Trãi, Cầu Giấy là những tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ thành phố Hà Nội vốn rất đông phương tiện nay lại bị rào chắn phục vụ dự án xây dựng đường sắt trên cao nên càng trở nên chật chội, ùn tắc xảy ra bất kể giờ nào trong ngày.
Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt hại có thể đo đếm được là cánh tài xế taxi. Không chỉ các tuyến đường cửa ngõ, những ngày này, nhiều con phố trung tâm Hà Nội như phố Trần Hưng Đạo đoạn cổng Bộ GTVT, phố Bà Triệu, phố Huế, Hàng Bài và các tuyến phố lân cận cũng thường xuyên đầy ắp phương tiện, ùn ứ kéo dài từ 15 giờ chiều cho đến tối. Các ngả đường đều ùn tắc khiến người tham gia lưu thông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chôn chân giữa dòng phương tiện đông nghẹt.
Chủ động phân luồng từ xa
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã bố trí lực lượng phòng chống ùn tắc tại 336 nút giao thông và 14 tuyến quốc lộ ra - vào thành phố Hà Nội. Đồng thời, tổ chức phân luồng đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực lễ hội, địa điểm vui chơi, chợ hoa tết.
Tuy nhiên, do lượng phương tiện đổ về Hà Nội những ngày này quá đông, gấp gần 20 lần so với ngày thường, cộng với thành phố đang là “đại công trường” xây dựng với 57 rào chắn của 27 công trình vừa khai thác vừa thi công nên tình trạng ùn tắc là khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, hiện 8 tuyến đường chính vào trung tâm thành phố đã mãn tải, các giải pháp như làm cầu vượt, xén hè, tổ chức lại giao thông là những giải pháp tình thế giúp ổn định giao thông nhưng khi lượng phương tiện tăng đột biến, việc ùn tắc dễ xảy ra. Tình trạng ùn tắc trong các dịp cao điểm chỉ được xử lý triệt để khi hạ tầng giao thông thành phố có sự thay đổi về chất từ nay đến năm 2020 với sự hoàn thành của các dự án đường sắt đô thị và việc triển khai các tuyến buýt nhanh…
Ùn tắc giao thông tại phố Khâm Thiên (Hà Nội). Ảnh: LÃ ANH
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, cận Tết Ất Mùi, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, kết hợp với việc trên địa bàn TPHCM triển khai hàng loạt công trình xây dựng, nâng cấp về kết cấu hạ tầng ngay trên các tuyến đường đang khai thác, nên bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông. Do đó, các ban, ngành TP cần có giải pháp cấp bách trong vấn đề khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các cửa ngõ ra vào TP. Chỉ đạo toàn bộ lực lượng làm công tác tổ chức giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; trong đó chủ động phân luồng từ xa.
Bên cạnh đó, người tham gia giao thông phải tuân thủ tuyệt đối những quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ mệnh lệnh người điều khiển giao thông… Đề nghị các hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên mặt tiền tuyến phố tuân thủ quy định hành lang đảm bảo an toàn giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, không lấn chiếm lòng đường để kinh doanh buôn bán, để xe.
ĐÌNH LÝ - BÍCH QUYÊN