Lùi giờ làm việc của cơ quan hành chính sẽ bất tiện cho dân
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đề xuất đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính nhằm khắc phục tình trạng chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương của nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu quy định giờ làm việc muộn sẽ xáo trộn đến sinh hoạt của cư dân TPHCM. Giờ bắt đầu làm việc như vậy sẽ có một số khó khăn đối với cán bộ - công nhân viên (CB-CNV) bộ phận tiếp dân, giải quyết hồ sơ, thủ tục.
Là một phường ở trung tâm TPHCM, UBND phường Cô Giang tiếp nhận thị thực các giấy tờ của người dân rất nhiều. Nhiều người dân tranh thủ đến trụ sở UBND phường rất sớm để giải quyết xong giấy tờ, rồi vào nơi làm việc hoặc tiếp tục mang hồ sơ nộp các cơ quan khác.
Thực hiện văn minh công sở và cải cách hành chính, thời gian qua, chúng tôi đã vận động CB-CNV đến làm việc sớm hơn để kịp thời giải quyết giấy tờ cho người dân. Nhiều ngày, dù hết giờ làm việc buổi chiều, anh em vẫn nán lại để giải quyết dứt điểm các hồ sơ, giấy tờ.
Thời gian cao điểm, chúng tôi còn vận động các CB-CNV, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, tổ chức làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu làm thủ tục hành chính cho người dân. Do vậy, nếu kéo lùi giờ làm việc của cơ quan hành chính, bắt đầu từ 8 giờ 30, sẽ gây bất tiện cho người dân
Ông TRẦN CÔNG HẬU, Bí thư Đảng ủy phường Cô Giang (quận 1, TPHCM)
Cần nghiên cứu phương án giờ làm việc phù hợp
Nếu quy định giờ làm việc, cần nghiên cứu phương án phù hợp tâm sinh lý và môi trường. Có lẽ phương án kéo lùi giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước (bắt đầu từ 8 giờ 30 cho đến 17 giờ 30) là do muốn quy định lệch giờ đi làm và giờ đi học, để tránh xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Song, đó là vấn đề cần tháo gỡ với các đô thị lớn, chứ không phải là với tất cả các địa phương khác, nhất là ở hải đảo, biên giới, vùng xa vùng sâu. Ngoài chuyện lo ùn tắc giao thông, cũng cần tính đến thực tế là khí hậu vùng miền mỗi nơi, mỗi mùa khác nhau, nên nếu quy định áp đặt giờ làm việc chung cho cả nước thì không hợp lý.
Nếu cứ máy móc áp dụng giờ làm việc thống nhất cả nước, đôi khi không mang lại hiệu quả công tác, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo tôi, với TPHCM và các tỉnh Nam bộ, giờ làm việc của cơ quan hành chính nên bắt đầu từ 7 giờ 30, kết thúc lúc 16 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút như lâu nay là hợp lý nhất.
Ông TRẦN VĂN TÁM (huyện Củ Chi, TPHCM)
Nên mở và thoáng cho từng địa phương, đơn vị
Với nhiều người, buổi sáng thường có thể trạng và tinh thần tốt hơn buổi chiều, do đó khi quy định đổi giờ làm việc của các cơ quan hành chính, nên bắt đầu làm việc sớm (7 giờ hoặc 7 giờ 30), thời gian làm việc buổi sáng có thể nhiều hơn buổi chiều.
Cũng cần xem thời gian nghỉ trưa bao lâu là hợp lý để người lao động có thể nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe và làm việc hiệu quả nhất vào buổi chiều; hoặc kết thúc giờ làm vào lúc nào để một số người có thể giải quyết các công việc gia đình (đón con, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…) sao cho hợp lý và tiện lợi nhất, bởi điều này tuy mang tính cá nhân nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thái độ làm việc.
Nếu cho rằng giờ làm việc hiện nay chưa phù hợp với xu thế của các nước phát triển thì e rằng sự điều chỉnh sẽ càng không hiệu quả, bởi nước ta chưa phải là nước phát triển mà đi lên từ một nước nông nghiệp, ít nhiều còn giữ tập quán của một xã hội sản xuất nông nghiệp, nên đòi hỏi theo các nước phát triển là khó đáp ứng được.
Còn nếu kéo lùi giờ làm việc để giải quyết tình trạng kẹt xe thì đó lại là vấn đề của từng địa phương, Nhà nước không nên vì xử lý việc của một số địa phương mà làm ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác.
Xét về nhiều mặt, trong điều kiện hiện nay, nên giữ nguyên cách tổ chức thời gian làm việc, bởi đã được thực tiễn kiểm chứng rằng cách thức đó có những hợp lý nhất định, đặc biệt là đã tạo nên thói quen, thậm chí là nề nếp, của cán bộ công chức, của các cơ quan trong bộ máy hành chính, cũng như với người dân.
Suy cho cùng, sự tác động của Nhà nước thông qua luật và các quy định khác thì nên hướng đến những điều gì đang bất ổn, kém hiệu quả, thiếu hợp lý. Còn những điều khác thì nên mở và thoáng cho từng địa phương, đơn vị, miễn sao bảo đảm được các yêu cầu, các nguyên tắc chung.
Ông VÂN TÂM (quận Thủ Đức, TPHCM)