“Giữ chân” cán bộ, công chức, viên chức: Nâng cao chất lượng đội ngũ, cải cách chính sách tiền lương

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với 4 nhóm vấn đề. Sau khi Báo SGGP đăng ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri về nâng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), Báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc gửi gắm đến diễn đàn Quốc hội về làm thế nào để “giữ chân” CB-CC-VC.
Mỗi ngày, chị Phạm Thị Ngọc Dung, công chức bộ phận một cửa, UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM giải quyết hồ sơ cho hơn 150 người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH
Mỗi ngày, chị Phạm Thị Ngọc Dung, công chức bộ phận một cửa, UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM giải quyết hồ sơ cho hơn 150 người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

* PGS-TS NGUYỄN VĂN TRÌNH, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM: Tạo môi trường làm việc hấp dẫn

“Giữ chân” cán bộ ở khu vực công, theo tôi là câu chuyện không dễ nhưng phải làm. Để “giữ chân” cán bộ, tôi cho rằng có 2 việc cần phải thực hiện ngay. Một là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và phải có hướng dẫn thực hiện rõ ràng, chi tiết, giúp cán bộ dễ thực thi nhiệm vụ. Bởi lẽ, khi hệ thống pháp luật còn chồng chéo thì cán bộ luôn trong tình trạng lo lắng “đụng đâu cũng sai”. Vì vậy, trước khi đòi hỏi cán bộ sáng tạo thì phải tạo môi trường làm việc thật an toàn, chặt chẽ về mặt pháp lý. 

Thứ hai là phải xây dựng hệ thống lương tương đương với lương ở khu vực tư. Đối chiếu với hệ thống lương ở nước ta hiện nay cho thấy khu vực công và khu vực tư có sự chênh lệch rất lớn. Khi khu vực tư tính thù lao theo năng suất lao động thì khu vực công vẫn “cố cựu” với cách tính ngày công. Cộng thêm chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có nghĩa là bớt người nhưng thêm việc, càng tạo thêm áp lực lớn đối với CB-CC. 

Khi tâm lý bất an và mức lương không tương xứng với công sức, không theo kịp giá cả thị trường thì đương nhiên, chỉ cần nơi nào hấp dẫn hơn là CB-CC sẵn sàng chuyển đổi. Vì vậy, khu vực công phải có môi trường làm việc hấp dẫn hơn khu vực tư mới đủ sức giữ chân cán bộ. 

* Ông TRẦN QUANG TÚ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai: Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ CB-CC-VC

Thực trạng diễn ra thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Nai, là nhiều CB-CC-VC xin nghỉ việc, thôi việc theo nguyện vọng - nhất là ngành y tế và giáo dục, cán bộ ở cơ sở. Để khắc phục tình trạng này, trong khi Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bàn bạc cơ chế, chính sách tổng thể thì tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khắc phục ngay tại địa phương.

Theo đó, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kịp thời quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ CB-CC-VC cấp cơ sở. Trong đó, nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, đoàn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ CB-CC-VC... 

Riêng trong lĩnh vực y tế, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thông qua chính sách xây dựng nghị quyết về hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025. Theo đó, lực lượng này, tùy vị trí và môi trường công tác, sẽ được hỗ trợ từ 1-4 triệu đồng/tháng/người. 

* Ông HOÀNG ĐÌNH THĂNG, Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM: Tăng tính cạnh tranh để cán bộ nỗ lực phấn đấu

Theo tôi, hiện nay tình trạng CB-CC-VC thôi việc có nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ tiền lương thấp. Cùng với đó là chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến trong công việc chưa phù hợp; áp lực công việc hiện nay rất lớn, nhất là ở TPHCM.

Mặc dù chúng ta đã có chính sách đãi ngộ để cải thiện thu nhập, nhưng tỷ lệ CB-CC-VC nghỉ việc thời gian qua trong khu vực nhà nước vẫn chưa kéo giảm. Như vậy, chính sách đãi ngộ tiền lương hiện nay vẫn chưa đáp ứng điều kiện sống cũng như chưa đủ sức để tạo động lực cho CB-CC-VC an tâm làm việc, cống hiến. Thời gian tới, chúng ta tăng lương cơ sở, tôi nghĩ đây sẽ là tín hiệu tích cực để giải quyết phần nào câu chuyện này, trong bối cảnh khu vực ngoài nhà nước hiện có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Đặc biệt, TPHCM cần sớm thực hiện chính sách tăng thu nhập cho CB-CC-VC trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo điều kiện, cơ hội thăng tiến cho CB-CC-VC. Đó là việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có tính cạnh tranh cao hơn, tạo động lực để cán bộ nói chung nỗ lực, phấn đấu trong công việc. Đồng thời, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ cần phải rõ ràng, minh bạch, trọng dụng tất cả những người tài giỏi, phẩm chất đạo đức tốt. Theo tôi, TPHCM cần sớm thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Điều này sẽ tạo ra thay đổi căn bản trong cách tuyển chọn lãnh đạo theo hướng công khai, minh bạch hơn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để những cá nhân đủ điều kiện có cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục