Ông Nguyễn Quang Trung, Tổ trưởng Tổ dân phố 41 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM), cho biết: “Từ ngày UBND phường lập group Zalo (ảnh) thông báo, giao lưu và trao đổi với người dân để thay cho tiếng loa phường, đã giảm tiếng ồn trong khu dân cư và thông tin đến dân nhanh, kịp thời, rõ ràng hơn, chi tiết hơn. Lúc đầu nhiều người dân còn bỡ ngỡ, nay phần đông đã thành thạo, không chỉ nhận thông báo từ phường, mà còn trao đổi, góp ý với cán bộ về tình hình trong khu dân cư. Bà con thấy các trường hợp đổ rác không đúng chỗ, chiếm dụng lòng lề đường, là chụp hình chuyển lên group báo cho cán bộ biết để xử lý kịp thời”.
Ông Trịnh Trọng Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, chia sẻ: “Phường có 9 khu phố, với hàng chục ngàn dân. Trước đây, để đưa văn bản thông báo tới người dân phải thông qua lực lượng cán bộ tổ dân phố, khu phố, nên phải mất nhiều thời gian. Còn dùng hệ thống loa để thông báo, thì người nghe được, người không. Từ khi phường lập group nối kết giữa chính quyền với người dân, việc đưa thông tin đến người dân nhanh mà cụ thể, rõ ràng. Group Zalo đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu do nội dung phong phú, thiết thực, như thông báo về hiến máu nhân đạo; thay đổi địa điểm chi trả lương hưu; vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh kênh rạch, nơi cư trú, phòng chống dịch Covid-19…”.
Không chỉ phường Hiệp Bình Chánh, mà cả 12 phường của quận Thủ Đức đang áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng tin nhắn điện thoại và group Zalo thay dần tiếng loa phường, văn bản giấy. Cuối tháng 2-2020, dấu mốc của chính quyền điện tử ở quận Thủ Đức được nâng cao mang tính thống nhất, tập trung bằng việc kích hoạt trang mạng “Thủ Đức điện tử”. Ngay khi quận khởi động “Thủ Đức điện tử”, người dân đã sốt sắng truy cập và sử dụng ngay. Với chiếc điện thoại thông minh, người dân ngồi ở nhà vẫn có thể theo dõi, phản ánh về tình hình trật tự xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và đóng góp ý kiến cho chính quyền, cũng như đề đạt nguyện vọng của mình. Trước khi đến quận để làm thủ tục hành chính, người dân đã dùng điện thoại để lấy số thứ tự, nên khỏi mất thời gian chờ đợi.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, “Thủ Đức điện tử” đã trở thành trợ thủ đắc lực, thuận tiện, giảm gánh nặng cho người dân và hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, bao che cho sai phạm. Với chiếc điện thoại, người dân có thể biết và giám sát chặt chẽ từ khâu quy hoạch đến cấp giấy phép, quản lý giám sát xây dựng đến hoàn công. Khi người dân cùng chính quyền đồng hành việc xây dựng, quản lý đô thị thì tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép sẽ chấm dứt”.
Sự thay đổi từ group Zalo, tin nhắn điện thoại thay dần tiếng loa phường đến “Thủ Đức điện tử” đã thiết thực giảm bớt kinh phí, thời gian, đưa người dân và chính quyền đến gần nhau hơn.