Gói giải pháp, trong đó có giải pháp thắt chặt tín dụng, tiền tệ để kềm chế lạm phát, duy trì tốc độ phát triển kinh tế hợp lý, ổn định và an sinh xã hội mà Chính phủ thực hiện trong 5 tháng qua đã phát huy tác dụng. Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) giảm dần, tháng 7 thấp hơn tháng 6 và tháng 8 thấp hơn tháng 7. Nhập siêu cũng đã bắt đầu giảm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng gấp nhiều lần so với các năm trước và mức độ giải ngân – tức số vốn đã thực hiện cũng hết sức khả quan. Thị trường chứng khoán – nơi đo lường mức độ lòng tin của các nhà đầu tư – sau nhiều tháng chao đảo cũng đã bắt đầu phục hồi. Những tín hiệu lạc quan đó đã cho phép các nhà quản lý vĩ mô nghĩ đến việc sớm giảm lãi suất cơ bản 14% hiện nay.
Mặt tích cực của giải pháp thắt chặt tín dụng tiền tệ để kềm chế lạm phát đã rõ. Tuy nhiên, đồng thời cũng làm nảy sinh khó khăn mới đối với khu vực sản xuất mà nghiêm trọng nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong một hội thảo gần đây, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau khi khảo sát thực tế đã báo động: Hiện nay chỉ có 20% trong tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thích ứng với tình hình do có vốn, có thương hiệu tốt và áp dụng kỹ thuật mới; 60% đang thoi thóp cầm cự chờ áp lực lạm phát đi qua; 20% đang chết dần.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có ít nhất 350.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy sẽ có 70.000 doanh nghiệp đã và sẽ phá sản – theo đánh giá của ông Cao Sĩ Kiêm. Doanh nghiệp được xếp vào quy mô vừa và nhỏ có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động. 70.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ kéo theo hàng chục vạn lao động không có việc làm – một vấn đề xã hội không nhỏ. Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mấy năm qua có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra nhiều chỗ làm việc mới cho nền kinh tế.
Từ tình hình thực tế trên, vấn đề đặt ra là cần có chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ mà trước hết là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay trên thị trường nội địa…
Nhiều nhà quản lý cho rằng, phá sản là hệ quả tất yếu của lạm phát, là sự sàng lọc đau đớn nhưng cần thiết. Trong kinh tế học còn có khái niệm: Phá sản là sự tàn phá sáng tạo. Khi phá sản thì nhà xưởng, máy móc, người lao động còn đó, chỉ người chủ kém năng lực phải thay đổi. Sẽ có một người chủ mới có năng lực tiếp nhận doanh nghiệp đó, tái cơ cấu lại, làm ăn giỏi hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn… Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý vĩ mô và dưới chế độ ta, nếu để phá sản diễn ra trên diện rộng, hơn 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ, như ông Cao Sĩ Kiêm báo động, sẽ tạo nên sự bất ổn trong xã hội.
MINH THÔNG