ĐBSCL đóng vai trò rất quan trọng về an ninh lương thực và xuất khẩu nông, thủy sản, không những cho địa phương, vùng, quốc gia, mà cả thế giới. Tuy vậy, những vấn đề mà vùng đang đối mặt là: nông dân (sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản lý kém), nông nghiệp (giá trị kém và tính cạnh tranh thấp) và nông thôn (lạc hậu và tổn thương cao). Để vượt qua các thử thách trên, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế và chính sách để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư các chương trình và dự án nhằm phát triển ĐBSCL bền vững hơn. Tuy vậy, kết quả không như mong muốn vì chính sách thiếu lồng ghép và hỗ tương nhau, trên xuống một chiều và cơ chế “xin - cho” còn nặng nề và phổ biến, nguồn lực địa phương và tham gia cộng đồng còn giới hạn, trong bối cảnh liên kết bộ ngành Trung ương và viện, trường còn yếu và thiếu.
Hệ quả chậm cải tiến chính sách, dẫn đến các thách thức và bất cập là sản xuất nông nghiệp thời gian qua đi theo hướng tăng cung, tăng sản lượng. Vì thế, tăng trưởng mạnh, dư thừa lớn; xuất khẩu nhiều (về khối lượng) nhưng lợi nhuận giảm; giá cả biến động mạnh; thu nhập, đời sống của nông dân không cải thiện và nhiều trường hợp bị tổn thương cao. Xuất khẩu vùng ĐBSCL tăng nhưng nông dân lại nghèo. Điều này dẫn đến việc yêu cầu sự can thiệp của nhà nước (hỗ trợ chính sách, thu mua, tạm trữ, lãi suất, tín dụng) ngày càng nhiều; thay đổi cấu trúc ngành hàng chậm; biến dạng ở cơ chế giá cả và không theo kịp tín hiệu thị trường; thay đổi cấu trúc nội ngành chậm và dịch vụ trong nông nghiệp rất yếu.
Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại ở ĐBSCL, dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế, kiệt quệ nguồn lực của người nông dân. Từ đó, tâm lý trông đợi vào hỗ trợ ngày càng cao. Không những nông dân, mà cả hệ thống quản lý các cấp của nhà nước và công cụ chính sách bị xói mòn và mang tính chất giải quyết tình thế hơn là chiến lược.
Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở ĐBSCL là việc làm quan trọng và là hướng đi mang tính “chiến lược kép”. Qua liên kết và tham gia này sẽ sử dụng nguồn lực và thúc đẩy thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và chương trình địa phương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiệu quả hơn. đồng thời cũng là nền tảng tham gia ứng phó với tác động biến đổi khí hậu đến ĐBSCL trong tương lai mà từng tỉnh, từng địa phương và từng ngành khó thực hiện được.
Mục tiêu của liên kết vùng là liên kết được bộ, ngành cấp trung ương, chính quyền địa phương, viện, trường và doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết theo vùng có lợi thế sinh thái với sự tham gia “4 nhà”. Kết quả chương trình sẽ là nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc để phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng và tăng thu nhập cho nông dân trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn ở ĐBSCL. Liên kết vùng là chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập và đối mặt biến đổi khí hậu, cũng là nền tảng thực hiện Kết luận 28-TW của Bộ Chính trị, trong giải pháp phát triển toàn diện ĐBSCL. Vì thế, cần suy xét các hình thức liên kết để đưa vào cơ chế, tổ chức và chính sách cho từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.
Qua triển khai liên kết vùng, chúng ta sẽ đánh giá và dự đoán được nhu cầu thị trường trong hiện tại và tương lai (số lượng và chất lượng), việc cạnh tranh thị trường nội địa và xuất khẩu nhằm đề xuất chiến lược phát triển thị trường cho các ngành hàng nông, thủy sản nêu trên. Về kỹ thuật, sẽ quy hoạch được vùng sản xuất thích nghi, lai tạo và chọn lọc được giống thích nghi và xác định được gói giải pháp kỹ thuật canh tác và sau thu hoạch cho lúa, cây ăn quả và thủy sản nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập và thích ứng với thay đổi môi trường sản xuất. Qua liên kết sẽ nâng cao được năng lực của nông dân về kỹ thuật, quản lý sản xuất và nghề phi nông nghiệp hỗ trợ (gắn với nhu cầu và địa chỉ sử dụng lao động) để họ tham gia tốt chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất, tiếp cận và sử dụng tốt chính sách của Nhà nước và dịch vụ đầu vào và đầu ra. Đồng thời, liên kết vùng sẽ phát triển được liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị gia tăng của các mặt hàng chủ lực chính như nêu trên, thông qua thiết lập mối liên kết công - tư, liên kết nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp, hướng tới với mô hình kinh doanh nông nghiệp (công ty cổ phần sản xuất nông nghiệp).
Để làm được điều này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cần phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án liên kết vùng phát triển ngành hàng chủ lực nêu trên. Đây là nền tảng quan trọng thí điểm liên kết vùng sử dụng nguồn lực trong nước và tranh thủ nguồn lực quốc tế nhằm gỡ khó cho nông dân, phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững.
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL