Hôm qua, 14-12, nhiều ngân hàng thương mại “thở phào” nhẹ nhõm khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thêm 1 năm tiến độ tăng vốn pháp định của các ngân hàng thương mại. Thông tin này chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, gần 20 năm qua, vấn đề nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) luôn được các cơ quan chức năng đặt ra như một vấn đề cốt lõi không chỉ của từng tổ chức tín dụng, mà còn là mục tiêu của cả hệ thống tài chính - ngân hàng. Vì vậy, việc sàng lọc để duy trì các TCTD mạnh về tài chính, có khả năng quản trị điều hành để tồn tại vững vàng trên thị trường, loại bỏ những nhân tố yếu kém là một trong những mục tiêu dài hạn mà ngành ngân hàng và Chính phủ đặt ra. Nghị định số 141 được Chính phủ ban hành vào năm 2006, quy định mức vốn pháp định và lộ trình tăng vốn điều lệ đối với từng loại hình TCTD để đảm bảo mức vốn pháp định này.
Theo đó, các tổ chức tín dụng có thời gian 4 năm để thực hiện việc tăng vốn điều lệ với 2 giai đoạn cụ thể (giai đoạn 1 kết thúc 31-12-2008 và giai đoạn 2 kết thúc 31-12-2010 – các TCTD phải tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng). Quy định này đã cho phép các TCTD có thời gian chủ động triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ của mình phù hợp với quy mô hoạt động và năng lực quản trị điều hành, góp phần tăng năng lực tài chính, đồng thời duy trì tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, hiệu quả.
Theo thông tin từ NHNN, các TCTD đã sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý làm cơ sở triển khai việc tăng vốn điều lệ trong năm 2010. Tuy nhiên, quá trình tăng vốn điều lệ đã chịu tác động của một số nguyên nhân khách quan khiến nhiều TCTD trong nước gặp nhiều khó khăn: Bối cảnh kinh tế thế giới sau khủng hoảng và thị trường tài chính trong nước có nhiều biến động, đến nay chưa có dấu hiệu khả quan, đã dẫn đến TTCK sụt giảm, hoạt động cầm chừng trong thời gian dài; nhiều ngân hàng cùng lúc tăng vốn, làm cho cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ trong việc hạn chế các tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn ra ngoài lĩnh vực chính và yêu cầu các doanh nghiệp này thoái vốn tại các TCTD để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính cũng gây khó khăn lớn cho các TCTD cổ phần có cổ đông hiện hữu là các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, một số TCTD cổ phần đã niêm yết cổ phiếu trên TTCK cũng gặp phải một số quy định về thời gian khi phát hành cổ phiếu ra công chúng nên cũng không thể hoàn tất việc tăng vốn điều lệ đúng thời hạn quy định.
Khi các ngân hàng thương mại vào cuộc chạy đua tăng vốn, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, và NHNN tiếp tục khẳng định: Việc yêu cầu các TCTD tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính là một chủ trương đúng đắn, có giá trị dài hạn, cần phải tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu này. Nhiều người tán đồng quan điểm này của NHNN, bởi như lời của một chuyên gia kinh tế: “Đã kinh doanh ngân hàng thì không thể chỉ bằng nước bọt”. Áp lực của pháp lý và thực tiễn kinh doanh trong việc đạt hệ số an toàn vốn đã buộc tự thân các TCTD phải tính đến phương án tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên trước những khó khăn, vướng mắc khách quan, NHNN đã chủ động báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giãn tiến độ tăng vốn điều lệ cho các TCTD theo hướng: Tiếp tục duy trì mục tiêu tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính của các TCTD; tiếp tục khuyến khích các TCTD tăng vốn điều lệ để sớm đạt được mức vốn pháp định. Thời hạn tăng vốn tối thiểu đủ 3.000 tỷ đồng sẽ lùi lại 1 năm, tức tính đến thời điểm cuối tháng 12-2011 để “giảm bớt áp lực về thời gian tăng vốn” cho các TCTD chưa thể tăng đủ ngay mức vốn pháp định như lộ trình đề ra.
HÀM YÊN