“Gỡ rối” cho doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh

Ngày 5-12, Cục Hải quan TPHCM đã có buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh. Trước đó, Báo SGGP đã phản ánh bức xúc của các doanh nghiệp vận tải liên quan đến hải quan TPHCM kiểm tra hàng hóa kéo dài, phát sinh chi phí.

Chậm trễ, thất thu ngân sách

Theo nội dung phản ánh của 4 doanh nghiệp vận tại, gồm Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu, Công ty cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty cổ phần Tân Cảng Cypress, hiện tuyến hàng hóa quá cảnh đang được kiểm tra thực tế thủ công, kéo dài, dẫn đến số lượng lớn container bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai nhưng giữ lại toàn bộ các container trong cùng tờ khai đó, dẫn đến mỗi container bị kiểm tra hàng hóa kéo theo 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm tra hàng hóa. Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm tra hàng hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. Việc chậm trễ này sẽ gây thất thu cho ngân sách, tốn kém, thậm chí khiến doanh nghiệp ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Campuchia…

Tham dự buổi đối thoại, ông Hoàng Long, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu (đại diện công ty duy nhất có mặt tham dự đối thoại) đánh giá, các giấy tờ quy định đối với hàng quá cảnh hiện nay đang làm mất cơ hội, ưu thế kinh doanh của doanh nghiệp. Các giấy phép yêu cầu đối với hàng quá cảnh, như: Giấy kiểm dịch thực vật, giấy này doanh nghiệp không thể xin cấp phép từ Chi cục Thú y phía Nam mà phải xin từ Cục Bảo vệ thực vật tại Hà Nội, làm mất rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. 

Thêm nữa, ông Hoàng Long cho rằng, hải quan kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, chống buôn lậu là đúng, nhưng không vì một vài lô hàng vi phạm mà thực hiện tỷ lệ kiểm tra nhiều, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do vậy, ông Long kiến nghị đối với hàng quá cảnh, không nhất thiết phải khai báo chi tiết như hàng nhập khẩu, có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc khai báo.

Tăng cường đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến

Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Long, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (gọi tắt Chi cục) cho biết, về kiểm tra thực tế hàng hóa, qua rà soát Chi cục không thấy có trường hợp kiểm tra 1 container nhưng ảnh hưởng từ 30-50 container như doanh nghiệp phản ánh. Có thể xà lan có nhiều tờ khai, khi kiểm tra 1 container trong 1 tờ khai sẽ ảnh hưởng đến cả xà lan. Trường hợp này cũng dễ xử lý. Cụ thể, doanh nghiệp có thể khai bổ sung container bị dừng, tách riêng container này, để lại tờ khai và khai thêm tờ khai khác để tiếp tục vận chuyển. Ví dụ, có 15 container, bị dừng 1 container thì sẽ điều chỉnh 1 container, còn lại 14 container mở tờ khai khác để vận chuyển đi trước.

Nếu doanh nghiệp vận tải có nhu cầu thì Chi cục hỗ trợ ngay, nhưng công ty cần làm việc với bên điều độ cảng trước để xem việc tách vận đơn có được không. Vì khi hàng getin (thông tin tờ khai nhập) 15 container đó, khi getout cũng getout (thông tin tờ khai xuất) 15 container đó chứ không getout từng phần, nếu được thì làm theo cách khai bổ sung là tiện nhất. Thời gian kiểm tra nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc xuất trình hàng của doanh nghiệp. Có những trường hợp vi phạm, hải quan phải lập biên bản vi phạm, xác định trị giá lô hàng, chuyển cơ quan chức năng xử lý (UBND TPHCM, cơ quan điều tra…) nên kéo dài thời gian kiểm tra. Theo thống kê, thời gian xuất trình hàng của 4 doanh nghiệp nêu trên trong năm 2022 là 9,5 ngày.

“Gỡ rối” cho doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh ảnh 1 Ông Hoàng Long, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu trao đổi tại buổi đối thoại

Việc kiểm tra 10% hay 100% lô hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như phát hiện lô hàng vi phạm thì công chức có quyền tăng cường tỷ lệ kiểm tra (theo quy định của Tổng cục Hải quan). Thứ nữa, các trường hợp kiểm tra đều thực hiện theo chỉ thị của Tổng cục Hải quan hoặc Cục Hải quan TPHCM, người kiểm tra có thể giám sát từ xa thông qua camera tại Hà Nội hoặc TPHCM. Cán bộ giám sát yêu cầu mở các thùng hàng kiểm tra nên công chức hải quan tại cảng phải thực hiện theo đúng quy định.

Đối với thắc mắc về thời gian tạm dừng kiểm tra hàng hóa dài ngày (15-45 ngày), Hải quan TPHCM cho hay, cán bộ công chức thường thông báo ngay đến doanh nghiệp biết khi có quyết định tạm dừng. Khi thông báo, doanh nghiệp có trách nhiệm xuất trình hàng để công chức hải quan kiểm tra, kéo dài 2-3 ngày, nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp chưa đủ hồ sơ, chờ giấy phép… để bổ túc nên thời gian lâu hơn. Việc tạm dừng được tính từ lúc doanh nghiệp xuất trình hàng để kiểm tra đến lúc hoàn thành kiểm tra, chứ không tính từ lúc tạm dừng thông quan lô hàng đến lúc hoàn thành thủ tục.

Riêng việc doanh nghiệp yêu cầu kê khai chi tiết, Hải quan TPHCM cho biết, đây là quy định của Bộ Tài chính đưa ra, nên đề nghị doanh nghiệp kiến nghị thêm với Bộ Tài chính để điều chỉnh quy định.

Sẽ báo bộ ngành, hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hữu Nghiệp nhấn mạnh, việc kiểm tra hàng hóa, phân luồng, tỷ lệ kiểm tra… đều có cơ sở dữ liệu thể hiện trên hệ thống quản lý Hải quan.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, dữ liệu kiểm tra thực tế của cơ quan hải quan cho thấy đến 90% hàng hóa dừng kiểm tra không phải là container duy nhất 1 mặt hàng mà gồm nhiều mặt hàng, đa dạng quy cách đóng gói; 10% container còn lại khai báo một mặt hàng nhưng đóng đầy container, không đủ không gian kiểm tra, đối chiếu hàng hóa trong trường hợp nghi vấn.

Chẳng hạn, đối với 4 doanh nghiệp có đơn phản ánh nêu trên có tỷ lệ vi phạm hàng quá cảnh chiếm từ 47-56% trong 11 tháng năm 2022, với các lỗi vi phạm gồm: khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, quá cảnh hàng hóa thuộc diện kiểm dịch mà không có giấy phép kiểm dịch…

Liên quan đến thắc mắc kiểm tra hàng quá cảnh, kiến nghị về khai chi tiết hàng hóa, Cục Hải quan TPHCM sẽ thu thập thêm thông tin để báo các bộ, ngành xem xét. Đối với giấy phép chuyên ngành, quy định của pháp luật rất rõ và cụ thể, nên doanh nghiệp vận tải cần chủ động thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hàng quá cảnh phải tuân thủ vào các hiệp định chung của Việt Nam và các nước quá cảnh. Trường hợp, doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh phát hiện có hàng cấm, doanh nghiệp có thể xin giấy phép của cơ quan xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương - cơ quan đại diện phía Nam.

“Chúng tôi luôn trân trọng, lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp để cùng trao đổi, từng bước tháo gỡ. Trong thời gian tới, Hải quan TPHCM sẽ tăng cường các buổi đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp vận tải hàng hóa quá cảnh, đồng thời công khai số điện thoại của lãnh đạo chi cục hải quan, công chức hải quan phụ trách lĩnh vực này để doanh nghiệp thuận tiện trao đổi thông tin. Riêng với phản ánh cán bộ công chức nhũng nhiễu, gây khó doanh nghiệp, chúng tôi sẽ làm rõ và xử lý đúng quy định, đồng thời công khai thông tin cho báo chí được biết”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp nói.

Doanh nghiệp vận tải hàng quá cảnh có thể liên hệ với ông Nguyễn Thanh Long, Chi cục phó Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) qua số điện thoại 0903620399; ông Đặng Bùi Việt, Đội trưởng Đội giám sát Kiểm soát, số điện thoại 0983400479.

Tin cùng chuyên mục