(SGGP). – Ngày 8-1, Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992 được tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước; phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, đảm bảo tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ở nước ta, từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam ra đời đến nay, chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp: Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Các bản Hiến pháp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng quan trọng cho sự ổn định và phát triển”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Đây là sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, có tác dụng phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng, thi hành Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trình bày Báo cáo về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý cho biết Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân, đăng tải trên các báo và trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn. Thời gian lấy ý kiến kể từ ngày 2-1-2013 đến ngày 31-3-2013.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc về một hay một số nội dung cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm; đồng thời gửi ý kiến đóng góp qua cơ quan, tổ chức mình là thành viên để tổng hợp báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc gửi ý kiến đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội (gửi ý kiến đóng góp bằng email đến hộp thư điện tử ubdtsdhp@qh.gov.vn hoặc qua trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn). Thư góp ý về vấn đề này gửi qua đường bưu chính đều được miễn phí. Chậm nhất đến ngày 20-4, Ban biên tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.
Hội nghị đã nghe đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phát biểu về công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Góp ý vào kế hoạch này, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh đề nghị, để tạo điều kiện cho nhân dân có thêm thời gian nghiên cứu, góp ý toàn diện và sâu sắc về dự thảo, việc tổng hợp ý kiến của các địa phương nên chia làm 2 đợt; đợt 1 vào ngày 15-3 và đợt 2 vào ngày 5-4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề nghị báo cáo 2 đợt, nhưng yêu cầu gửi báo cáo đợt 2 vào ngày 31-3.
A.THƯ