Hạ nhiệt thị trường

Năm 2012, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, trong đó việc tăng giá xăng dầu và điều chỉnh giá điện đã tác động đến toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở mọi ngành và mọi miền của đất nước. Tác động của 6 lần tăng giá xăng dầu vừa qua, buộc các nhà sản xuất kinh doanh phải liên tục tăng giá sản phẩm và dịch vụ, tạo nên sức nóng thị trường và dư luận. Giá cả hàng hóa tăng làm cho sức mua giảm, hàng hóa không tiêu thụ được. Lượng hàng tồn kho tăng cao - có ngành hàng tồn kho tới 90% so với cùng kỳ năm trước - khiến các nhà sản xuất kinh doanh điêu đứng, đến mức tại diễn đàn của Quốc hội và các cuộc họp của Chính phủ với các bộ ngành, việc giải phóng hàng tồn kho được coi như một nhiệm vụ cấp bách.

Trên thực tế hiện đang tồn tại một vòng luẩn quẩn: giá nguyên nhiên liệu tăng, đẩy giá thành và giá bán hàng hóa tăng; giá cả hàng hóa tăng lên làm cho sức mua của xã hội giảm; sức mua giảm làm cho hàng hóa không bán được, doanh nghiệp sẽ không thu hồi được vốn để tái sản xuất.

Để tiếp tục một chu kỳ sản xuất mới trong điều kiện hàng hóa của chu kỳ trước chưa bán được, doanh nghiệp phải tiếp tục vay vốn với lãi suất cao. Lãi suất ấy sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy chi phí sản xuất hàng hóa tăng lên nữa. Giá hàng hóa tăng lên lại đưa doanh nghiệp trở về điểm xuất phát của vòng luẩn quẩn ban đầu nhưng ở tình cảnh nan giải hơn, nợ chồng chất hơn, nguy cơ phá sản cao hơn…

Trong bối cảnh “chỉ mành treo chuông” này, doanh nghiệp phải tìm mọi cách thoát ra, cũng là góp phần làm cho “thân nhiệt” của nền kinh tế hạ xuống trở lại bình thường. Muốn thế, trước hết các doanh nghiệp phải bán được hàng hóa, giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn. Muốn bán được hàng hóa, không còn con đường nào khác, doanh nghiệp phải hạ giá bán sản phẩm xuống đến mức xã hội có thể chấp nhận được, tức là phù hợp với khả năng thanh toán của số đông người tiêu dùng. Khi hạ giá bán hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt thòi vì phải giảm chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất, cắt bớt lợi nhuận đến mức tối đa mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được, thậm chí phải chịu một khoản lỗ nhất định để hạ giá sản phẩm, kích thích sức mua của xã hội.

Đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện “ép giá để thoát nạn” thành công (trong đó có một số doanh nghiệp bất động sản - vốn là loại hàng rất khó bán hiện nay). Và họ đã trở lại những chu kỳ sản xuất mới mặc dù “trên mình đầy thương tích”, nhưng như thế vẫn còn hơn bị “chết” trên thương trường. Trong cuộc chiến này, những doanh nghiệp nhỏ, ít vốn sẽ dễ bị phá sản. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn, trường vốn hoặc có các tập đoàn hùng mạnh ở nước ngoài “chống lưng” sẽ đủ sức gồng mình vượt qua. Đó cũng là hệ quả tất yếu của quy luật kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm số đông trong nền kinh tế nước ta hiện nay, nhà nước cũng không thể ngồi yên. Trong lúc này, các doanh nghiệp đang rất cần nhà nước hỗ trợ, làm điểm tựa cho họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn nêu trên. Trong đó, vấn đề khơi thông thị trường để có thể tiêu thụ nhanh hàng hóa là yếu tố quan trọng nhất. Đồng thời, nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để họ vượt qua cơn khốn khó, tiếp tục sản xuất và trụ lại trong cơ chế thị trường vốn rất khắc nghiệt.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hy vọng thị trường sẽ hạ nhiệt và nền kinh tế sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục