Hài hòa lợi ích các bên khi đấu giá đất

Trong các phiên đấu giá đất ở TPHCM, chưa có phiên đấu giá nào thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lẫn dư luận xã hội như cuộc đấu giá 4 lô đất vàng ở khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm diễn ra vào ngày 10-12 vừa qua. Chỉ sau một ngày đấu giá đã tìm ra được 4 đơn vị với số tiền trúng đấu giá lên tới hơn 37.300 tỷ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm (5.300 tỷ đồng). Có lô đất, tính ra giá được đấu thành công lên tới trên 2,4 tỷ đồng/m².

Ở TPHCM, lâu nay giá đất cao nhất thuộc về các khu đất dọc tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1), khi mỗi mét vuông đất ở đây có giá cả tỷ đồng. Việc lô đất ở khu ĐTM Thủ Thiêm cao hơn đất quận 1 và đơn vị “chiến thắng” đều là doanh nghiệp trong nước, nhìn ở khía cạnh tích cực, cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn có “sức khỏe” tốt, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Điều quan tâm từ sự kiện đấu giá các lô đất nêu trên, đó là cần phải hài hòa lợi ích giữa các bên: người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và tổ chức đấu giá. Theo ghi nhận, ở TPHCM trước đây đã có hướng để người dân có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án với chủ đầu tư. Tuy nhiên, lúc đó lại quy giá trị đất theo bảng giá Nhà nước. Trong khi đó, giá trị đất sau khi đấu giá, triển khai dự án tăng lên gấp nhiều lần.

Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, đến nay khu ĐTM Thủ Thiêm còn 51 lô đất với tổng diện tích gần 800.000m2, đều là đất thương phẩm và là nguồn thu để đầu tư cho Thủ Thiêm. Các lô đất này được chia làm nhiều nhóm dựa trên yếu tố pháp lý, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chưa kể, thành phố còn gần 3.800 căn hộ tái định cư thuộc khu 38ha tại phường An Khánh (TP Thủ Đức) đang chờ được đấu giá. Tuy ở vị trí khá đẹp tại trung tâm khu ĐTM Thủ Thiêm nhưng việc định giá khá cao (gần 10.000 tỷ đồng) đã khiến số căn hộ này lâm vào cảnh ế ẩm dù đã trải qua 3 lần đấu giá. Trong phương án đấu giá mới được xem xét, số căn hộ này dự kiến được chia thành 2 gói, với tổng giá ấn định lên đến 14.700 tỷ đồng.

Từ phiên đấu giá 4 lô đất nêu trên, có thể thấy rằng, khi phát triển các khu đô thị được thông qua đấu thầu rộng rãi, đấu giá công khai, sẽ thu được kết quả khả quan về mặt tài chính. Song, phiên đấu giá cũng đặt ra mối lo ngại rằng mức giá đất “khủng” tại khu vực này sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản, vì giá thành của sản phẩm bất động sản sẽ cao và giá bán tất nhiên cao theo. Việc này sẽ tác động dây chuyền và ảnh hưởng không nhỏ đến giá nhà ở của đông đảo người dân có nhu cầu thật sự.

Tin cùng chuyên mục