Hai mặt của “vừa và nhỏ”

Nhân chuyện mở rộng địa giới thủ đô, không ít doanh nghiệp vừa lên tiếng bày tỏ mong muốn có thêm mặt bằng sản xuất cho các DN dân doanh của Hà Nội (tính bình quân mỗi DN dân doanh chỉ có thể “vẫy vùng” trong 1.440m2, trong khi “đàn anh” có vốn nước ngoài có diện tích sử dụng bình quân gấp khoảng 7 lần và doanh nghiệp nhà nước có diện tích sử dụng bình quân gấp 19,5 lần). Đó là một mong muốn chính đáng và cũng là một trong những mục đích của các nhà hoạch định chính sách khi quyết định thực hiện công cuộc sáp nhập lớn lao.

Đang đà “mở rộng”, ngẫm sang các điều kiện kinh doanh khác của DN dân doanh mới thấy đúng là con đường phát triển của họ còn đang vướng đủ bề. Theo thống kê mới nhất mà Hiệp hội Công thương Hà Nội vừa công bố, hơn 20 năm qua, có tới 95% số doanh nghiệp dân doanh ở Hà Nội vẫn là “vừa và nhỏ”; hoạt động kinh doanh ở các ngành nghề thủ công, chế biến đơn giản, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Chỉ 5% trong số DN dân doanh vươn lên trở thành DN có tầm cỡ (dù so với bè bạn trong khu vực và trên thế giới thì mới ở mức khiêm tốn).

Những thách thức từ nhiều phía (lạm phát cao, sự cạnh tranh ngày một lớn do tiến trình hội nhập ngày càng sâu...) khiến cho các DN dân doanh càng dễ bị tổn thương. Trong khi đó, dường như nhà nước – dù khuyến khích phát triển – nhiều khi tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn các chương trình, dự án, các chính sách ưu tiên thực sự cần thiết cho khu vực kinh tế này; hoặc có chủ trương chính sách rồi nhưng vận hành trong thực tế thì còn khoảng cách lớn. Đơn cử, kể từ 1-9-2007, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ mất 5 ngày làm việc theo luật định, nhưng thống kê tại Hà Nội cho thấy, trung bình “hành trình thủ tục” của các DN mới phải mất khoảng 30 ngày.

Còn nhớ trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Rami Ungar, một tỷ phú nổi tiếng của Israel trong lĩnh vực vận tải biển và kinh doanh địa ốc đã bình luận một cách hình tượng: “Các bạn đừng vì quá sợ (DN) “ma” mà quá dè chừng làm nguội mất nhiệt huyết của các DN muốn tham gia đóng góp cho nền kinh tế”.

Nói đi phải nói lại. Những nhược điểm của khu vực kinh tế dân doanh - không ít lần được “mổ xẻ”, phân tích kỹ càng - xem ra vẫn chưa được khắc phục nhiều. Ở đây chỉ xin nhắc lại một vài số liệu đáng lưu ý. Theo ông Đỗ Tuấn Khải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, bình quân, các DN đã chi khoảng 13% tổng thu nhập cho các chi phí không chính thức. 2/3 trong số gần 1.000 doanh nghiệp được hỏi “thú nhận” phải chi từ 1% tổng thu nhập trở lên cho các chi phí “bôi trơn” các loại; trong đó, có 3,46% chi từ 13-25% và cá biệt, 0,57% số DN được hỏi đã chi tới trên 25% tổng thu nhập! Mức chi thái quá này tự bản thân nó đã nói lên nhiều điều. Mặt khác, việc này đã góp phần không nhỏ tạo ra tiêu cực, và điều rất nguy hiểm là nó làm hỏng môi trường kinh doanh của chính DN!

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục