Thông quan điện tử

Hải quan và doanh nghiệp đều... khỏe

Hải quan và doanh nghiệp đều... khỏe

Lâu nay, các doanh nghiệp ở TPHCM vẫn luôn than vãn về sự ách tắc trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa khiến cho hàng hóa phải bị lưu kho tại cảng hoặc cửa khẩu, tốn thêm chi phí, thời gian, chưa kể là khoản “bo” cho nhân viên Hải quan.

Còn cơ quan Hải quan cũng phải vất vả khi phải tiến hành thông quan thủ công một khối lượng hàng hóa khổng lồ như hiện nay. Từ cuối tháng 7-2005 này, khi Cục Hải quan TPHCM đưa thông quan điện tử vào hoạt động, liệu những vướng mắc trên sẽ được tháo gỡ?

  • Thông quan điện tử: sẵn sàng

Trong những ngày này, Công ty Cổ phần Dược liệu TW2 đang ráo riết chuẩn bị cho việc thực hiện thông quan điện tử của doanh nghiệp mình. Ngoài việc trang bị máy móc, đấu nối đường truyền Internet ADSL, doanh nghiệp cũng đã cử nhân viên lên Cục Hải quan để tập huấn. Lãnh đạo công ty hồ hởi vì đã chờ đợi thông quan điện tử từ mấy năm nay nhưng đến nay mới là sự thực.

Hải quan và doanh nghiệp đều... khỏe ảnh 1

Được chọn là 1 trong 12 doanh nghiệp tham gia thông quan điện tử trong đợt đầu tiên dự kiến vào ngày 25-7 tới, Công ty cổ phần Điện máy TPHCM cũng đang gấp rút những bước chuẩn bị cuối cùng để thông quan điện tử một cách hoàn hảo nhất. “Nếu phương pháp thông quan điện tử được tiến hành thông suốt thì đó là một bước ngoặt lớn của ngành Hải quan TPHCM và bản thân doanh nghiệp”, một cán bộ công ty cho biết.

Hiện nay, 34 doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn TPHCM được lựa chọn tham gia thông quan điện tử đã chuẩn bị xong những khâu cần thiết. Đây là những doanh nghiệp được đánh giá tốt vì tuân thủ các quy định pháp luật, không nợ thuế và có quan hệ chặt chẽ với cơ quan Hải quan.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan thành phố thì phải lựa chọn như vậy vì bước đầu thử nghiệm nên đảm bảo việc thông quan điện tử giảm thiểu rủi ro, đồng thời trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc có thể cùng doanh nghiệp tháo gỡ, rút kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan TPHCM thì đến nay mọi chuẩn bị đã xong và sẵn sàng để tiến hành thông quan điện tử.

  • Doanh nghiệp được lợi

Thông quan điện tử không phải là một ưu đãi về thuế hay về thủ tục mà là thay đổi phương pháp quản lý. Từ việc quản lý thủ công từng lô hàng xuất nhập khẩu chuyển sang quản lý bằng trang thiết bị hiện đại. Và điều đó sẽ thuận tiện cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.

Đó là nhận định của ông Đỗ Đình Thực, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM. Còn ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan TPHCM thì ví von: “Nếu mỗi giao lộ tại TPHCM cần 3 cảnh sát giao thông đứng trực 3 ca thì TPHCM có mấy ngàn giao lộ, và cần bao nhiêu cảnh sát giao thông cho đủ. Cơ quan Hải quan cũng vậy.

Nếu mỗi lô hàng đều phải tiến hành kiểm tra thủ công như hiện nay thì với kim ngạch mỗi ngày mỗi tăng thì biên chế Hải quan bao nhiêu cho vừa. Nên thông quan điện tử là bước cải thiện phương pháp quản lý hữu hiệu”. Sự thực, với thông quan điện tử, lãnh đạo ngành Hải quan hy vọng rằng việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ chặt chẽ hơn và doanh nghiệp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Cụ thể, với thông quan điện tử, không phải lô hàng nào cũng bị kiểm tra và doanh nghiệp không biết lô hàng nào bị kiểm tra. Việc kiểm tra hàng hóa sẽ do máy thực hiện và hoàn toàn ngẫu nhiên. Ví dụ 100 lô hàng nhưng máy chỉ chọn ngẫu nhiên 1 - 2 lô kiểm tra. Tuy lượng kiểm tra ít nhưng chặt chẽ, đỡ mất thời gian, lượng hàng thông thương nhanh hơn. Đồng thời giảm đi sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhân viên Hải quan dễ phát sinh tiêu cực.

Về quy trình thông quan điện tử, theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan TPHCM thì rất tiện lợi. Sau khi doanh nghiệp truyền dữ liệu khai báo thông quan hàng hóa (tờ khai điện tử) đến Chi cục Hải quan điện tử, bộ phận tiếp nhận dữ liệu của Chi cục sẽ tiếp nhận và trình xem xét.

Nếu là luồng xanh (hàng hóa không cần kiểm tra hồ sơ giấy) thì Hải quan sẽ cấp cho doanh nghiệp số đăng ký dữ liệu của hệ thống. Sau đó doanh nghiệp in tờ khai điện tử ra làm 2 bản trình lại cho giám đốc doanh nghiệp ký tên, đóng dấu, rồi mang tờ khai điện tử đến văn phòng hải quan điện tử đặt tại cảng, cửa khẩu.

Nhân viên văn phòng sẽ kiểm tra lại nội dung tờ khai có phù hợp với thông tin lưu trên mạng đường truyền hay không. Nếu phù hợp thì cho thông quan hàng hóa. Nếu luồng vàng (hàng hóa cần kiểm tra hồ sơ giấy) thì doanh nghiệp mang hồ sơ đến Chi cục Hải quan điện tử để kiểm tra theo 2 nội dung: nếu thuộc luồng xanh thì doanh nghiệp mang tờ khai đi lấy hàng bình thường, còn thuộc luồng đỏ (cần phải kiểm tra thực tế) thì phải có sự kết hợp giữa Hải quan điện tử và Hải quan cửa khẩu để kiểm tra thực tế.

Nếu kiểm tra thực tế đúng hết thì thông quan ngay. Qua phân tích, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM khẳng định quy trình thông quan điện tử nhanh gọn hơn thông quan thủ công hiện nay nhiều lần, mặt khác lại hạn chế được tiêu cực. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp được lợi nhiều mặt, đó là chỉ cần ngồi tại văn phòng để làm thủ tục thông quan chứ không phải chạy lên chạy xuống cảng, cửa khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục