Hàn Quốc - Trung tâm nghệ thuật toàn cầu tiếp theo

Theo báo cáo “Thị trường nghệ thuật Hàn Quốc 2022” vừa công bố, tổng giá trị các giao dịch trên thị trường nghệ thuật nước này sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ won (776,5 triệu USD) nhờ doanh thu các phòng triển lãm và hội chợ nghệ thuật tăng mạnh.
Frieze - hội chợ nghệ thuật tầm cỡ thế giới lần đầu được tổ chức tại châu Á đã gõ cửa thị trường Hàn Quốc vào tháng 9-2022. Ảnh: YONHAP
Frieze - hội chợ nghệ thuật tầm cỡ thế giới lần đầu được tổ chức tại châu Á đã gõ cửa thị trường Hàn Quốc vào tháng 9-2022. Ảnh: YONHAP

Báo cáo cho biết, giá trị các thương vụ nghệ thuật năm 2021 đã tăng gần 300% so với năm 2020, lên mức 922,3 tỷ won, nhờ lượng lớn khách hàng mới và tính thanh khoản cao. Dự báo con số này sẽ vượt mốc 1.000 tỷ won trong năm nay. Báo cáo do Tập đoàn văn hóa Paradise và Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Quốc gia Seoul phối hợp thực hiện. Đây là lần đầu tiên có một báo cáo như vậy.

Các phòng trưng bày tiếp tục có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường nghệ thuật Hàn Quốc, trong khi các hội chợ nghệ thuật tiếp tục tăng thị phần với tổng doanh thu của hai bên gần như tăng gấp đôi trong 2 năm qua. Trong năm 2021, các phòng triển lãm chiếm 48% tổng giao dịch, tiếp đến là các cuộc đấu giá chiếm 35% và hội chợ nghệ thuật chiếm 15%.

Giới phân tích nhận định, nguyên nhân khiến thị trường nghệ thuật bùng nổ là do khách mua là người trẻ, gồm thế hệ Z (những người sinh năm 1997-2012) và thế hệ Y (những người sinh năm 1981-1996), ngày càng tăng. So với thế hệ baby boomer (những người sinh năm 1946-1964) và thế hệ X (những người sinh năm 1965-1980), thế hệ Y có phần ưa thích những nghệ sĩ nước ngoài và những người hoạt động bên ngoài Hàn Quốc nhiều hơn. Các nhà sưu tầm thế hệ Y thường chọn các phòng triển lãm nghệ thuật quốc tế là điểm đến cho những giao dịch tiếp theo.

Từ năm ngoái, một số phòng triển lãm và nhà đấu giá quốc tế đã mở văn phòng và chi nhánh tại Seoul để tận dụng xu hướng bùng nổ này. Perrotin, Lehmann Maupin and Pace là những cái tên tiên phong đến từ phương Tây, tiếp đến là sự xuất hiện của Thaddaeus Ropac, Konig, Gladstone và Tang Contemporary khi họ mở phòng triển lãm tại những “điểm nóng” văn hóa như Hannam-dong và Cheongdam-dong. Riêng phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế Perrotin (có trụ sở tại Paris) đã mở không gian triển lãm thứ hai tại Seoul gần công viên Dosan ở Sinsa-dong vào tháng 8 vừa qua và là phòng trưng bày phương Tây đầu tiên ở Hàn Quốc mở chi nhánh thứ hai, sau không gian đầu tiên mở tại Samcheong-dong hồi tháng 4-2016.

Trong khi đó, phòng trưng bày nghệ thuật đương đại hàng đầu Pace đã khai trương tại Seoul vào năm 2017 tại Itaewon và chuyển đến Hannam-dong vào tháng 5 năm ngoái để mở rộng không gian. Phòng trưng bày có trụ sở tại New York Lehmann Maupin đã mở văn phòng Hàn Quốc đầu tiên tại Anguk-dong vào năm 2017 và chuyển đến một địa điểm lớn hơn ở Hannam-dong vào năm ngoái. Các phòng trưng bày nổi tiếng khác cũng đã đặt chân đến Hàn Quốc trong năm 2021 là Thaddaeus Ropac, Konig, Gladstone, Opera và Peres Projects.

Sự mở rộng ồ ạt các phòng triển lãm nghệ thuật mới, cho thấy thị trường nghệ thuật ở châu Á đang dần chuyển trọng tâm từ Hồng Công sang Hàn Quốc và thành phố châu Á náo nhiệt Seoul đang được nhìn nhận với tư cách là trung tâm nghệ thuật toàn cầu tuyệt vời tiếp theo. Tất cả những cá nhân tham gia phòng trưng bày đều nhận thấy rằng, các bảo tàng của Seoul mạnh một cách bất thường, không chỉ Bảo tàng quốc gia mà còn cả những bảo tàng các bộ sưu tập của tư nhân, công ty, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Leeum và Bảo tàng Nghệ thuật Amorepacific.

Theo tờ The Korea Times, phân tích tổng doanh thu hàng quý từ việc trúng đấu giá các tác phẩm nghệ thuật cho thấy, giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch Covid-19 của thị trường nghệ thuật Hàn Quốc đã đạt đỉnh vào quý 3-2021. Và tờ Robb Report mới đây nhận định, TP Seoul đã có một hệ sinh thái trưởng thành cho nghệ thuật và không chỉ với mỹ thuật, hãy nghĩ đến BTS và cơn sốt K-pop, Squid Game và Parasite.

Tin cùng chuyên mục