Trước tình hình nắng nóng kéo dài đã khiến hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt, nhiều diện tích cây trồng phải cắt giảm, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán.
Trước tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng, ngày 7-5, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương xác định, khoanh vùng những khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán để triển khai ngay phương án ứng phó với rủi ro thiên tai do hạn hán.
Hồ Sông Móng, nơi cung cấp nước cho nhiều khu vực sản xuất phía Nam tỉnh Bình Thuận đang trơ cạn Trong đó, cần lựa chọn, tổ chức triển khai ngay các dự án, công trình cấp bách để kịp thời cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước; theo dõi chặt chẽ tình hình điều tiết nước từ các hồ chứa để bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn hán cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, gần 6 tháng qua, tỉnh Bình Thuận hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài đã khiến gần 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp buộc phải cắt giảm, trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều khu vực giáp ranh TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) người dân phải hứng từng chậu nước máy chảy nhỏ giọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Hiện tại, các sông, suối, giếng khoan ở các huyện như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh,… đã cạn khô; các hồ chứa nước thủy lợi quan trong ở tỉnh Bình Thuận (Ba Bàu, Sông Móng, Tà Mon, Đá Bạc,…) cùng đang dần trơ đáy, chỉ còn ít nước thấp hơn mực nước chết.
Các hồ chứa nước thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã cạn trơ đáy Đặc biệt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt, trầm trọng tại một số nơi trong tỉnh như xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân); Hàm Thạnh, Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam); Thuận Hòa, Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc);…
Nhiều nơi, người dân phải đi chở nước hoặc mua nước từ nơi khác với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/m3 để dùng cho sinh hoạt, ăn uống và cho gia súc, gia cầm uống.
NGUYỄN TIẾN