Nhiều năm qua, cứ đến dịp cuối năm, tại các thành phố lớn, nạn hàng giả, hàng nhái lại bùng phát dữ dội. Trên những tuyến phố đông người qua lại, hàng gian, hàng giả được bày bán công khai. Có người bán ắt có người mua, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn liên tục trong mấy năm qua, thu nhập của nhiều gia đình giảm sút nên các loại hàng hóa giá “bèo” này được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hàng gian, hàng giả đã tràn ra vùng ven, các khu vực ngoại thành, thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều ở nông thôn, gây tác hại to lớn đến nền kinh tế và để lại nhiều hệ lụy về mặt xã hội. Không ít người đã phải chuốc lấy cay đắng, thậm chí bị lừa khi mua loại hàng này.
Lâu nay, những người thích sử dụng hàng nhái mẫu mã, gắn các thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới như XL, Adidas, Hermes, Chanel, Valentino, Giordano… thường xì xào bàn tán về một vài trung tâm, điểm mua sắm lớn chuyên bán hàng nhái với giá… chính hãng, ngang nhiên móc túi người tiêu dùng.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có những điểm bán hàng nhái “y như hàng thiệt” với giá thấp gấp cả chục lần, thậm chí hơn so với hàng chính hãng. Tại đây, chủ hàng công khai xuất xứ, còn người mua chấp nhận và vui vẻ… móc hầu bao.
Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Với cùng một món hàng có mẫu mã, màu sắc gần giống nhau, lại gắn biểu tượng của các thương hiệu lẫy lừng khắp thế giới, duy chỉ có chất lượng thấp và không được bảo hành, nhiều người - nhất là giới trẻ chấp nhận mua hàng nhái kiểu này. Giá rẻ, dễ dàng thay thế khi có tâm lý chán hoặc hàng bị hỏng, tạm thỏa mãn đam mê sử dụng “hàng hiệu”… là những lý do khiến nhiều người chấp nhận sử dụng các “phiên bản” của những món hàng có giá cao ngất ngưởng.
Không riêng gì ở nước ta, hiện nay tại một số nước phát triển, lượng người sử dụng hàng nhái ngày càng tăng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng nghiêm trọng trong nhiều năm qua, xu thế này càng được đẩy lên. Việc sử dụng hàng gian, hàng nhái gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm, nạn hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại cho nền thương mại toàn cầu khoảng 2.000 tỷ USD - một con số khổng lồ. Còn ở nước ta, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thống kê được toàn bộ thiệt hại một cách bài bản, khoa học, nhưng theo ước tính của một số chuyên gia thương mại giàu kinh nghiệm, đó là một con số không nhỏ, có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Phần lớn hàng gian, hàng giả xuất phát từ bên kia biên giới. Mỗi năm, một lượng hàng hóa khổng lồ được vận chuyển vào nước ta không qua các cửa khẩu. Điều đó có nghĩa là nhà nước thất thu thuế, các cơ quan chức năng không kiểm soát được cả số lượng lẫn chất lượng hàng hóa khi hòa nhập vào thị trường nội địa, gây nhiều thiệt hại về mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng là nhiều loại hàng hóa có tác hại đến sức khỏe con người đã dễ dàng xâm nhập vào lãnh thổ nước ta.
Mặc dù có một số nỗ lực trong việc ngăn chặn hàng gian, hàng giả, nhưng nhìn chung công tác phòng, chống buôn lậu, ngăn chặn và xử lý hàng gian, hàng giả còn không ít nhược điểm cần khắc phục. Để làm tốt công tác này, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới, nhất là biên giới phía Bắc để ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, phải tập trung xử lý nghiêm các đầu nậu, các đại lý bán hàng gian, hàng giả. Đồng thời lập lại trật tự tại các tuyến đường tập trung nhiều quầy, sạp, xe lưu động bán hàng gian, hàng giả. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt, nạn hàng gian, hàng giả sẽ vẫn tồn tại và ngày càng lan rộng hơn.
TRÀ CHÂU