Hàng lậu, hàng kém chất lượng: Khó xử lý triệt để

Cận tết, các mặt hàng buôn lậu, kém chất lượng… ào ạt đổ vào TPHCM. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM Đặng Văn Đức xung quanh vấn đề này.

- PV: Tình hình hàng lậu, hàng kém chất lượng đang là vấn đề “nóng” đối với người dân. Ông có nhận xét gì về tình hình này trong thời gian cận tết?

Ông ĐẶNG VĂN ĐỨC: Trước, trong và sau tết, nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 20% - 30%, do vậy hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng cấm… được bán chung với hàng đảm bảo chất lượng trên địa bàn TPHCM cũng nhiều hơn. Chi cục QLTT cũng đã kiểm tra, kiểm soát gắt gao trên địa bàn TP với 5 trạm kiểm tra, kiểm soát động vật tươi sống là: trạm Suối Tiên, trạm Xuân Hiệp (Thủ Đức), trạm An Lạc (Bình Chánh), trạm An Sương, trạm Rạch Dơi (Nhà Bè). Các đầu mối này có nhiệm vụ ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… tràn vào TPHCM. Tuy nhiên trên thực tế các mặt hàng này vẫn lọt lưới, tình hình nhập lậu ngày càng lộng hành.

- Chúng ta gặp khó khăn gì trong quá trình xử lý vi phạm?

Các đối tượng vi phạm thường chọn nơi hẻo lánh để sản xuất, trộn hàng Trung Quốc kém chất lượng lẫn với hàng Việt Nam đạt chất lượng để bán, tráo mác Trung Quốc thành mác Việt Nam… Thậm chí những đối tượng trên sẵn sàng cử người theo dõi, bám sát các đội QLTT, Chi cục QLTT. Khi chúng tôi chuẩn bị xuất quân, những đối tượng “đặc tình” này sẽ thông báo xuống cơ sở cho các doanh nghiệp tránh né, đối phó.

Trong năm 2011, chúng tôi đã chuyển cơ quan chức năng hàng chục vụ vi phạm để xử lý hình sự. Tuy nhiên cũng mới chỉ xử lý vài vụ. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 107/2008/NĐ-CP, khi phát hiện hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; hàng nhập lậu từ 100 triệu đồng trở lên nếu có dấu hiệu tội phạm, chúng tôi chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiểu rõ điều này nên một số đối tượng phạm tội tìm cách xé lẻ, chuyển hàng cho các cơ sở vệ tinh nên tổng trị giá hàng nhỏ hơn quy định để không phải bị xử lý hình sự. Vì thế, các vụ phát hiện hầu hết chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính. Điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng QLTT.

- Chỉ còn một tuần nữa tới Tết Nhâm Thìn 2012. Theo đó, người tiêu dùng phải đối mặt nhiều hơn trước nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng độc hại. Vậy lực lượng chuyên ngành, liên ngành QLTT có biện pháp gì để bảo vệ bà con?

Bà con nên cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình. Đối với các mặt hàng thực phẩm, tươi sống… người dân nên chọn những thương hiệu có uy tín, tên tuổi, tránh mua các mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác. Chương trình bình ổn giá với những điểm bán hàng mở rộng khắp các quận, huyện là địa chỉ bà con nên mua sắm.

Đấu tranh chống gian lận thương mại, chống hàng lậu, hàng kém chất lượng… là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều ban ngành chức năng, đoàn thể. Lực lượng QLTT không thể tự mình làm trong sạch hết thị trường tiêu dùng nếu không có sự hỗ trợ của các lực lượng khác. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiểm soát chặt thị trường trước, trong và sau tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết, giúp bà con yên tâm vui xuân mới.

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục