Ở nhiều tỉnh ĐBSCL:

Hàng loạt lò giết mổ gia cầm sạch trùm mền!

Các ngành chức năng khuyến cáo xây dựng các lò giết mổ gia cầm sạch, nhất là tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát ở ĐBSCL.

Theo dự báo của ngành thương mại, từ nay đến Tết Đinh Hợi nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao, tuy nhiên hàng loạt lò giết mổ gia cầm sạch rơi vào cảnh “ế ẩm”, thua lỗ kéo dài…

Đầu tư cả trăm triệu đồng

Lò giết mổ gia cầm sạch của HTX Nông nghiệp Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho) là một trong 2 lò giết mổ ra đời sớm và quy mô khá lớn ở tỉnh Tiền Giang, có thị trường tiêu thụ, nhưng hiện rơi vào tình cảnh thua lỗ! Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ nhiệm HTX thở dài: “Công suất hoạt động từ 500 con/ngày trở lên, nhưng cố lắm chỉ được 250 con. Tính sơ sơ trong năm qua, chúng tôi lỗ mất 30 triệu đồng”.

Lò giết mổ gia cầm Thanh Loan, ở Gò Công Tây (Tiền Giang) còn bi đát hơn. Cách đây một năm, chị Trương Thị Thanh Loan đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng lò giết mổ. Thời gian đầu, lượng giết mổ mỗi ngày 200- 300 con. Hơn 2 tháng nay, sụt xuống còn chưa tới 100 con/ngày.

Chị Loan tâm sự: “Tình hình này kéo dài chắc là… phá sản?”. Bà Phạm Thị Tuyết Mai, chủ lò giết mổ gia cầm sạch ở Phú Phong, huyện Châu Thành (Tiền Giang) lắc đầu: “Mấy tháng nay, lò chỉ hoạt động cầm chừng, không đủ chi phí”.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết, 6 lò giết mổ gia cầm sạch được đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/lò cũng rơi vào tình cảnh “đóng cửa” kéo dài khoảng 4- 5 tháng nay. Các tỉnh khác tình hình cũng tương tự.

Gia cầm chưa kiểm dịch “giết”... lò giết mổ sạch!

Tại Tiền Giang, trong lúc 5 lò giết mổ gia cầm sạch có nguy cơ phá sản, thì ở các chợ gia cầm không qua kiểm dịch bày bán tràn lan. Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo thừa nhận: “Nhiều chợ vẫn mua bán gia cầm không qua kiểm dịch”.

Ngày 26-1, chúng tôi khảo sát một số chợ như Thông Dông, Tân Thành, Tân Hòa… thuộc huyện Lai Vung (Đồng Tháp), gia cầm sống vẫn bán vô tư. Chị Nguyễn Thị Tám, ở Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết thêm: “Ở đâu có dịch cúm chớ vùng này chưa thấy...”

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, khi nào ngăn được tình trạng trên thì các lò giết mổ sạch mới hoạt động được. Trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 26-1, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu bức xúc: “Tất cả 4 lò giết mổ gia cầm sạch đều hoạt động không hết công suất. Tỉnh đã nghiêm cấm các chợ giết mổ và bán gia cầm chưa kiểm dịch nhưng thực tế họ vẫn lén lút làm”. 

THÚY AN - HUỲNH LỢI 

Phòng chống dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL
Tiêu hủy gia cầm cố tình không tiêm phòng, nhập tỉnh trái phép

* 5 tỉnh, thành không phát sinh ổ dịch mới

Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang cho biết: Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch CGC trên diện rộng, toàn bộ số gia cầm đủ 14 ngày tuổi mà chủ nuôi cố tình né tránh, không thực hiện tiêm phòng sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. Số vịt chạy đồng không tiêm phòng, không giấy kiểm dịch trái phép vào các địa phương này cũng bị tịch thu, tiêu hủy. Chủ nuôi các đàn vịt này còn bị xử phạt hành chính. Đối với các đàn vịt chạy đồng có giấy tiêm phòng, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, tùy trường hợp (xa, gần) chính quyền địa phương có “lệnh” trục xuất về nơi xuất phát hoặc cố định tại nơi vừa đến để quản lý nghiêm ngặt… Chiều 26-1, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu kiểm tra đột xuất lò ấp trứng vịt Tân Tấn Phát, phát hiện và niêm phong hơn 1 triệu trứng vịt đang ấp lộn, hơn 11 ngàn trứng vịt tươi không rõ nguồn gốc.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến ngày 26-1, dịch CGC xảy ra ở 31 xã, phường, 18 huyện, thị thuộc 7 tỉnh chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Kiên Giang (18 ngày), Sóc Trăng (17 ngày), TP Cần Thơ, Hậu Giang (8 ngày), Vĩnh Long (9 ngày) qua không phát sinh ổ dịch mới. Đến nay, có 8,54 triệu con gia cầm được tiêm phòng bổ sung, trong số này đàn vịt chiếm gần 6,9 triệu con.

BÌNH ĐẠI

Phường 5 Phú Nhuận TPHCM
Ngày 26-1, thêm 14 con chim hoang dã chết

Chiều 26-1, tại cuộc họp đột xuất tại UBND phường 5 về việc chim chết liên tục những ngày qua ở địa bàn này, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Văn Kháng, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quận nhấn mạnh, dù kết quả xét nghiệm mẫu chim chết âm tính với virus H5, nhưng không được chủ quan khi chưa tìm ra được nguyên nhân. Cần tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền cho dân hiểu và phun xịt sát trùng khu vực. Phường lập tổ theo dõi do Trạm Thú y Phú Nhuận phụ trách và có báo cáo nhanh hàng ngày về tình hình chim chết. Chủ tịch UBND phường 5 Đặng Thị Lý cho biết thêm, ngày 26-1 có thêm 14 con chim sắc nâu (loại chim phóng sinh) chết chưa rõ nguyên nhân. Như vậy số chim chết đến nay lên đến 74 con. Trạm thú y và cán bộ phường tiếp tục theo dõi để tìm ra nguyên nhân hiện tượng chim chết.

Đ.P.

Thông tin liên quan

Ngày 26-1: 3 đoàn công tác vào ĐBSCL chống dịch cúm gia cầm

Tập trung toàn lực dập xong dịch cúm gia cầm trước Tết Nguyên đán

Tin cùng chuyên mục