Hãng phim truyện Việt Nam - Liệu còn tồn tại?

Chỉ vài tháng sau khi được cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam lại gây xôn xao dư luận khi lại một lần nữa các nghệ sĩ và cán bộ nơi đây bức xúc bởi tình trạng không việc, nợ lương và xảy ra nhiều xáo trộn bất ngờ trong tổ chức. 
Mặc dù nằm ở trong một những quận trung tâm của Hà Nội, song đến với trụ sở chính của hãng phim trong những ngày này không khác gì đi giữa một khu nhà cũ bỏ hoang.
Hãng phim truyện Việt Nam - Liệu còn tồn tại? ảnh 1  Trụ sở chính của hãng phim không khác gì khu nhà cũ bỏ hoang
Hoang mang khi trụ sở bị dọn trống
Sau 2 tháng bước vào thời kỳ cổ phần hóa, nhiều cán bộ, công nhân viên đã rất bất bình với chính sách của công ty. Họ cho rằng, công ty đã không trả lương đầy đủ cho nhân viên, cũng như không thực hiện đầu tư cho sản xuất phim như cam kết ban đầu. “Ngoài một dự án đang được xúc tiến là Người yêu ơi (được duyệt đặt hàng từ thời điểm trước khi cổ phần), thì hiện nay không có một hoạt động nghiệp vụ nào được triển khai”, ông Lê Hồng Sơn, Phòng Hợp tác và sản xuất phim, cho biết. 
Không chỉ vậy, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, lãnh đạo của hãng cho di chuyển toàn bộ kho đạo cụ tới một địa điểm khác cách xa nơi làm hàng chục kilômét khiến nhiều nghệ sĩ ngỡ ngàng. Anh Vũ Quốc Tuấn, Phó phòng Quay phim, cho biết kho đạo cụ nhìn thì lộn xộn, cũ kỹ nhưng trong đó lại chứa nhiều đồ đạc mang giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Những đạo cụ này đã góp phần không nhỏ cho việc ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. “Không chỉ thế, nơi cất giữ đạo cụ, trang phục là một kho ở xa thành phố mà chỉ có 3 nhân viên bảo vệ, liệu có đảm bảo chúng được an toàn, không suy chuyển?”, anh Tuấn lo lắng.
Cũng liên quan tới việc di chuyển kho đạo cụ, Phòng Biên kịch rất bức xúc bởi hàng trăm kịch bản của hãng tích lũy trong bao năm cũng bất ngờ được chuyển sang gửi bên Viện Phim quốc gia. Và với lý do Phòng Biên kịch đã không còn kịch bản nữa nên nhân viên phòng được gợi ý là có thể làm ở nhà, nếu có sản phẩm được duyệt thì sẽ được trả công, còn hãng sẽ đảm nhận việc tiếp tục đóng bảo hiểm.
Vậy là cùng với việc sáp nhập các phòng biên kịch, quay phim… và dọn sạch kho đạo cụ, giờ đây phần lớn các khu vực phòng ban tiếp giáp với đường Thụy Khuê và đường ven Hồ Tây đều ở trong tình trạng trống rỗng. Chính việc này dẫn tới nghi ngờ của anh em nghệ sĩ là phải chăng lãnh đạo cố tình tạo nên diện tích trống để cho thuê?
Những nghi ngờ cần lời giải đáp
Biên kịch, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: “Thực ra từ trước khi cổ phần, đa số các anh chị em trong hãng đã tự bươn chải để sống với nghề. Vì thế, khi cổ phần hóa, với mong muốn sẽ vực dậy được nghiệp làm phim, anh em nghệ sĩ vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, sau 2 tháng hoạt động, nhiều cam kết của cổ đông chiến lược là đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và đảm bảo mức lương đã không được thực hiện nghiêm túc, khiến chúng tôi hoang mang, thất vọng”. Cũng xuất phát từ nguyên nhân trên, Chi hội điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam đã có đơn gửi lên Hội Điện ảnh Việt Nam. 
Bên cạnh những thắc mắc của chi hội liên quan tới việc cổ phần hãng, việc định giá thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam tại sao vẫn giữ bằng 0, thì trọng tâm chính vẫn là những lo lắng về việc liệu hãng phim còn tiếp tục làm nghề nữa không khi mà ngay mức thu nhập tối thiểu nhất cũng không được đảm bảo. Trong đơn nói rõ những nghi ngờ khi mà nhiều cam kết của cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (cũng là cổ đông duy nhất) đã không được thực thi (như nêu ở trên); việc sáp nhập 4 phòng thành 1 phòng rồi dùng dãy nhà trước đây của 4 phòng để cho thuê kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim; việc chuyển gửi hàng trăm kịch bản quý (trong đó có bộ phim đầu tiên của hãng Chung một dòng sông), chuyển kho đạo cụ một cách bất hợp lý, tháo dỡ di chuyển phòng dựng và thu thanh phải chăng cũng nhằm mục đích lấy mặt bằng để cho thuê… 
Theo đạo diễn, nhà quay phim Nguyễn Đức Việt, tất cả xáo trộn nêu trên khiến cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ, các hội viên trong hãng trở nên hoang mang, tâm lý bất ổn.

Tin cùng chuyên mục