
Tập trung ở vỉa hè, đường phố… những gánh hàng rong có mặt khắp nơi. Người bán vẫn vô tư bán, người ăn vẫn ăn, bất chấp những nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang chực chờ.
“Dịch” hàng rong cổng trường
Như thường lệ, mỗi buổi sáng tại cổng Trường ĐH Công nghiệp 4 (đường Nguyễn Văn Bảo Q.Gò Vấp), tập trung hàng chục người buôn bán hàng rong với đủ loại thức ăn, nước uống… Đa số những thực phẩm này xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Có người lấy từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, có người tự làm ra như các món gỏi, nước đậu nành…

Hàng quán lề đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Hầu hết thực phẩm bày bán ở những gánh hàng rong này đều không ghi tên, địa chỉ cơ sở sản xuất và bao bì rất sơ sài, lấy lệ để ngăn bụi bặm, tuy vậy vẫn được đông đảo sinh viên chọn mua.
Thu Ngân, sinh viên khoa Thương mại du lịch, cho biết: “Buổi sáng ở nhà không kịp ăn nên lên trường ăn luôn cho tiện, 6.000 đồng đã có thể ăn một bữa sáng… Thấy nhiều người khác cũng mua ăn nên em nghĩ chắc không có chuyện gì”.
Cổng Trường ĐH KHXH-NV (10-12 Đinh Tiên Hoàng Q1) cũng tương tự. Bất chấp sự truy quét của các đội trật tự dọn dẹp đường phố, những gánh hàng rong vẫn nhan nhản khắp nơi. Từ những hàng quán bán bưng cho đến các điểm ăn nhanh trên vỉa hè, được rất đông sinh viên vây quanh để tranh nhau mua.
Đã có rất nhiều trường hợp các sinh viên bị ngộ độc sau khi ăn từ những gánh hàng rong bán ven đường. Gần đây nhất là trường hợp của T.Trang, Khoa Địa lý phải nhập viện vì ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh từ những gánh hàng rong này.
Ăn trên lề đường: Tiềm tàng hiểm nguy
Tại nhiều nẻo đường trong nội thành TPHCM, sự xuất hiện những điểm ăn uống lề đường hay vỉa hè là hình ảnh khá quen thuộc. Từ những suất điểm tâm cho đến suất ăn trưa, ăn chiều… được nhiều người lựa chọn vì giá rẻ và tiện lợi. Tuy nhiên, kèm theo đó là những vấn nạn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang chực chờ, bởi ý thức giữ gìn VSATTP những người kinh doanh vỉa hè rất hạn chế.
Tiếp xúc với một phụ nữ bán bún riêu trên đường Võ Văn Tần (Q3) chúng tôi được chứng kiến “công nghệ” làm bún cho khách của quán ven đường này. Chị cho biết bún được mua ở chợ đem về, mắm tôm cũng lấy “mối” quen ở chợ… Khi có khách ăn, chị dùng tay trực tiếp bốc bún bỏ vào tô, rồi quay sang lấy chai nước tương bám đầy bụi đất… Cũng bằng đôi tay đó chị làm tiếp những việc khác, khi có khách đến ăn, chị chùi tay vào áo quần vài lần, tiếp tục làm bún cho khách mà không sử dụng bất kỳ một loại găng tay nào hay rửa tay.
Với mỗi tô bún giá mươi ngàn so với ăn trong quán, thêm vị trí ngồi thuận tiện, những người khách cứ vô tư đánh chén.
Anh Bùi Hồng Vinh, một công nhân xây dựng, cho biết: “Trưa nào cũng ngồi ăn ở vỉa hè, thấy cũng không có vấn đề gì. Hơn nữa, công nhân lương thấp nên ăn ngoài cho đỡ tốn tiền”.
Đa số những hàng rong đều không đảm bảo VSATTP. Để giải quyết tình trạng này, việc đẩy đuổi chỉ là phần “ngọn”, cái “gốc” chính là giáo dục ý thức cho mọi người biết nói “không” với hàng quán vỉa hè.
Về mặt hành chính, các cơ quan y tế cần thường xuyên kiểm tra chất lượng VSATTP của các hàng quán, đồng thời hướng dẫn họ thực hiện các biện pháp vệ sinh hợp chuẩn khi buôn bán, để đảm bảo cho sức khỏe của khách hàng và cộng đồng.
Trà An