Điều đau lòng hơn là cô giáo này đang mang thai. Liên tục xảy ra những vụ xúc phạm, hành hung giáo viên, khiến dư luận xã hội bức xúc đặt câu hỏi: Vì sao những hành vi vô đạo như vậy lại có thể xảy ra ngay trong môi trường sư phạm? Tinh thần tôn sư trọng đạo liệu có còn? Vì sao đã đến nông nổi nghề giáo trở thành một nghề nguy hiểm, đầy rủi ro? Vẫn tin tưởng vào truyền thống hiếu học và tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, nhưng những sự việc đau lòng như trên cứ tái diễn, bắt buộc chúng ta phải nghĩ đến những biện pháp bảo vệ cho giáo viên và giải pháp ngăn chặn để hành vi vô đạo như vậy không còn lặp lại.
Trước hết, về phía phụ huynh cần hết sức bình tĩnh khi thấy có những tổn thương trên thân thể con em mình sau buổi học. Có thể các cháu trầy xước khi nô đùa trong giờ chơi với bạn bè; cũng có thể các cháu bị thầy cô nóng giận đòn roi hay phạt quỳ gối. Việc gặp gỡ thầy cô và ban giám hiệu để tìm hiểu nguyên nhân, trao đổi để có giải pháp phù hợp vẫn luôn là việc làm cần thiết. Nếu không nhận được sự hợp tác tích cực từ phía nhà trường, vẫn còn những giải pháp khác, như phản ánh lên cơ quan quản lý cấp trên, hay với báo chí, để tìm cơ hội giải quyết. Hành vi xúc phạm, bạo hành giáo viên là điều không thể chấp nhận trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, và cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với nhà trường, khi xảy ra trường hợp phụ huynh bất bình thì ban giám hiệu nên cố gắng giải quyết rốt ráo sự việc, để không xảy ra chuyện đau lòng. Ai sẽ bảo vệ thầy cô trong trường hợp này? Nhà trường có nhân viên bảo vệ không? Làm gì khi phụ huynh lôi kéo thêm nhiều người, đến đe dọa, xúc phạm, bạo hành thầy cô? Đây là vấn đề ngành giáo dục phải suy nghĩ và có giải pháp thật bài bản để ban giám hiệu các trường áp dụng.
Dù thế nào, những hành vi vô đạo, côn đồ hoàn toàn xa lạ với môi trường giáo dục, cần phải xử lý mạnh tay, rốt ráo. Có như vậy, tinh thần tôn sư trọng trọng đạo mới không bị bôi bẩn hay lu mờ.