Hệ thống hành chính được thiết kế 4 cấp, trung ương, tỉnh, huyện và xã. Xã là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính, cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất, vì thế được phân cấp giải quyết những việc bức xúc hàng ngày đối với đời sống của dân. Trọng trách là vậy, tin cậy là vậy. Thế nhưng gần đây qua phát hiện của báo chí, một số chuyện bê bối của chính quyền cơ sở quả là đáng lo ngại nếu không muốn nói là đáng báo động!
Lâu nay, từ cán bộ công chức bình thường đến lãnh đạo các cấp hầu như đều nói, cơ sở rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của sự nghiệp chung. Thế nhưng trong hành động và việc điều hành ở mọi cấp không hiếm lối suy nghĩ và hành động chỉ lo tập trung phát triển phần ngọn. Suy cho cùng cũng có cái lý của nó. Vì làm như vậy dễ thấy những kết quả tức thời, thỏa mãn ngay bệnh thành tích..., lối suy nghĩ và hành động này thường được biện minh là xuất phát từ lợi ích chung, là vì bộ mặt quốc gia…
Những bài học về nguy cơ mất ổn định chính trị ở một số vùng quê những năm trước đây vẫn còn nhức nhối. Công bằng mà nói, sau những sự kiện đáng tiếc đó, thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ ban hành quy chế dân chủ cơ sở và sau đấy nâng lên thành pháp lệnh như thổi một luồng sinh khí mới dân chủ XHCN vào nông thôn. Tuy nhiên do sự thiếu kiên trì, thiếu kiểm tra, chưa thật thấm nhuần, kiên quyết và tổ chức triển khai mang tính phong trào, tình hình thực thi dân chủ cơ sở theo tinh thần của pháp lệnh có phần chùng xuống.
Đi tìm nguyên nhân những bất cập trong hoạt động của chính quyền cơ sở cấp xã có thể khái quát ở các điểm sau đây:
Một là, HĐND cấp xã thực chất vẫn là cơ quan nặng về hình thức. Do trình độ học vấn nói chung ở nông thôn thấp nên rất khó cho người có đủ năng lực làm đại biểu. Trong khi đó, số người có năng lực khá hơn, có học vấn lo làm kinh tế, không thiết tha tham gia chính quyền. Mặc dù là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nhưng HĐND trên thực tế vẫn chưa khẳng định được vị trí của mình trong thực tiễn hoạt động, hoạt động mang nặng tính hình thức.
Hai là, tính chất hình thức của các nghị quyết do HĐND xã thông qua đã không tạo ra được các cơ sở thực tiễn đối với việc chấp hành của UBND. Khả năng kiểm soát của HĐND xã đối với hoạt động của UBND còn hạn chế, chưa có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu, nhất là chưa có biện pháp thực hiện chế tài.
Ba là, đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay rất đông nhưng lại không mạnh.
Phần lớn cán bộ ở cơ sở chỉ được đào tạo cơ bản về chính trị, ít được đào tạo về nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước. Cán bộ xã khá lúng túng trong triển khai hoạt động, thụ động, giải quyết công việc kém hiệu quả, nhiều khi không đúng luật pháp. Mặt khác, vẫn còn tình trạng giải quyết công việc tùy tiện, tham nhũng nhất là trong lĩnh vực đất đai, tình trạng mất đoàn kết nhiều nơi còn kéo dài, có khi gay gắt.
Trước tình trạng như vậy, thiết nghĩ rất cần những giải pháp căn cơ nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở để đủ sức triển khai các chủ trương chính sách, lập lại trật tự kỷ cương phép nước, dân chủ trên địa bàn nông thôn.
Thứ nhất, công khai minh bạch mọi hoạt động của chính quyền trước nhân dân, có cơ chế bảo đảm để nhân dân tham gia thảo luận, quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Thứ hai, nâng cao năng lực giám sát của HĐND xã, có cơ chế giám sát thật hiệu quả, biện pháp chế tài nghiêm đủ sức răn đe.
Muốn vậy, đề nghị về cơ cấu đại biểu nên tính toán một tỷ lệ hợp lý theo hướng mở rộng đại biểu ngoài Đảng, đại biểu là dân, bớt đại biểu quản lý nhà nước để HĐND thực hiện tốt hơn chức năng kiểm tra giám sát.
Thứ ba, triệt để tuân thủ Pháp lệnh dân chủ cơ sở trong mỗi hoạt động của chính quyền cơ sở và tuân thủ theo đúng quy định về “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Thứ tư, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên được đào tạo bài bản tham gia chính quyền cơ sở.
Thứ năm, thi tuyển công khai, cạnh tranh vào làm công chức xã, thực hiện nghiêm túc quy định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, tiến tới thực hiện dân bầu trực tiếp chủ tịch xã.
Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nghị quyết về “đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010” cũng nhấn mạnh phải “đặc biệt quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đảng viên và củng cố các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Sắp tới, đến lượt cấp cơ sở kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, sẽ có nhiều việc phải làm.
Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền, nếu chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ công chức ở trung ương, tỉnh, huyện mà không quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đạo đức phẩm chất chính trị, chăm lo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở phường xã, sẽ khó có một chính quyền trong sạch vững mạnh. Chính quyền cấp trên dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể làm thay và lấp chỗ trống hụt hẫng này.
Diệp Văn Sơn