Hãy đổ xô mua... sách

Cách nay cả năm trời, ông Nguyễn Văn Phước, ông chủ của Công ty First News - Trí Việt đã ngầm điều tra từ F1, F2… đến F10 các “vệ tinh” của các hệ thống thương mại điện tử bán hàng trên mạng như Lazada, Shopee, Sendo… và suýt bị đột quỵ khi thấy hàng chồng sách của công ty, cũng như sách của các nhà xuất bản bị xào nấu, làm giả, làm lậu bán ngập tràn trên dưới 50 trang fanpage quảng cáo bán sách thật với cái giá không tưởng, giảm 50-70%. 

Các đại gia thương mại điện tử chỉ lắc đầu rằng chúng tôi không biết, chúng tôi như một nhà kho và họ thuê quầy hàng trong đó để bày bán; chúng tôi sẽ điều tra để cấm cửa, để lôi ra ánh sáng những đứa làm ăn gian dối, làm ảnh hưởng uy tín và lợi nhuận của người làm ăn chân chính. Nhưng từ đó đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thì mặc cho đơn từ tố cáo gửi các cơ quan chức năng, những trang bán sách giả vẫn ngập tràn trên mạng, hết “tinh hoa” lại đến “tinh túy”, hết “sách thật” lại đến “sách chuẩn”, hết “xưởng in” này lại đến “tổng kho” kia bán đại hạ giá, bán xả hàng. Sách giả nội dung hết sức đa dạng, cái gì cũng làm giả, từ tiểu thuyết, truyện dài, đến sách phổ biến kiến thức và cả... sách của nhà chùa.

Sách không làm giả duy nhất có lẽ còn sót lại duy nhất là thơ và trường ca. Cũng dễ hiểu sự bức xức của các nhà xuất bản và các đơn vị làm sách liên kết: sau khi trừ hết chi phí như tiền giấy, công in, tiền bản quyền (nhiều khi mua của nước ngoài với giá cả chục ngàn đô), tiền trả nhân viên, đóng thuế, tiền “giao tế”, thì số tiền “lãi ròng” teo tóp quãng 5%. Tiền tác quyền của nhà văn vì thế cũng chỉ ở mức... mua được vài chục ký thịt heo, như nơi trả cao nhất là NXB Trẻ thì nếu in 2.000 cuốn theo kế hoạch A (nghĩa là NXB lo từ in ấn đến phát hành) thì tiền nhuận bút chỉ ở mức 15-20 triệu đồng. Đến khi ký lãnh tiền (thường phải chờ khá lâu), mớ thì mua sách ký tặng bạn bè (nhà văn nghèo thường có rất đông bạn bè nghèo mê chữ), mớ thì lo tổ chức bữa nhậu “mừng đứa con tinh thần ra mắt”, chỉ còn rất ít để bồi dưỡng cho gia đình và nuôi sống khát vọng của bản thân.

Thật ra, giới làm sách lậu như anh A, chị B, tất cả đều biết, đều nhẵn mặt, NXB biết, cơ quan chức năng biết, nhưng cứ “hãy đợi đấy!” chờ hết dịch thì sẽ ra tay. Có lần, cùng ngồi với một đầu nậu sách giả ở phố Đinh Lễ, Hà Nội, một nhà văn tha thiết mời chầu bia để ngỏ ý anh sẽ ra cuốn này, chú nương tay đừng in lậu của anh vì “cả nồi cơm nhà anh trông chờ vào nó”. Và dĩ nhiên, sách anh chỉ có in chuẩn, sách thật mà về sau khổ chủ còn rớm lệ nói “vẫn còn người tử tế”. Nói thế để thấy sách giả, sách lậu đã hoành hành ngang với con virus Corona ở mức độ lây nhiễm và giống con bạch tuộc ở chỗ chặt vòi này lại ló ra vòi kia. Song chả lẽ chúng ta hết cách chữa trị, tiêu diệt mầm bệnh?

Trước thực trạng đau lòng trên, thứ nhất, từ phía bạn đọc, hãy tỉnh táo khi mua sách, hãy chọn mua sách của NXB có địa chỉ và trang tin cụ thể đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai, phải xử lý nghiêm các đối tượng làm sách giả, buôn bán sách giả trên mạng. Không thể cứ mãi mãi răn đe, phạt hành chính ít tiền các cơ sở in ấn, buôn bán hàng gian, hàng giả. Phải chế tài mạnh hơn, thậm chí bỏ tù vài đối tượng cộm cán là tình hình sẽ khác. Thứ ba, về phía các NXB, điều cần thiết nhất là phải luôn tự làm mới mình, phải luôn luôn có đầu sách mới có chất lượng, phải sáng tạo nghĩ ra các mảng đề tài mới để đặt hàng người viết, để giới làm sách lậu “trở tay không kịp” để chúng dù muốn “nối bản” cũng không thể làm. Thứ tư, đối với giới sáng tác, điều cũng khó nói, khó được họ chấp nhận là cũng phải vượt lên chính mình, không dễ dãi với câu chữ, đề tài thể hiện.

...Và, chỉ mong sách thật sẽ được người dân đổ xô mua như bất kỳ mặt hàng thiết yếu nào thời dịch bệnh!

Tin cùng chuyên mục