Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa có buổi làm việc với Quận ủy quận 5 về việc tìm các giải pháp hạn chế sử dụng túi ni lông. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã cho rằng, hiện nay, với ưu điểm tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông, được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi từ của hàng bán rau, dưa cà muối đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của nó đến môi trường thì không phải ai cũng biết.
Một số nghiên cứu cho thấy, túi ni lông được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Không dừng lại ở đó, túi ni lông khi bị kẹt sâu trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, bên cạnh đó túi ni lông còn làm mất mỹ quan tới cảnh quan.
Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý, sở ban ngành đã và đang rất quan tâm tới vấn đề chất thải túi ni lông với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như các chiến dịch truyền thông “nói không với túi ni lông”, “ngày không túi ni lông” nhằm định hướng một số giải pháp kiểm soát ô nhiễm chất thải là các loại bao bì túi khó phân huỷ; sự cần thiết của việc sản xuất và sử dụng các loại túi ni lông thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chỉ riêng những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi ni lông gây ra. Điều quan trọng nhất là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với việc này.
Trong khi chưa có những chính sách pháp luật và các loại túi thay thế để hạn chế việc sử dụng túi ni lông, mỗi người dân chúng ta cần có những hành động thiết thực và cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do túi ni lông gây ra cho sức khỏe và môi trường sống. Chỉ cần một hành động nhỏ như thay đổi thói quen dùng túi một cách tiết kiệm, hợp lý, sử dụng nhiều lần… cũng đã làm cho môi trường giảm đi được rất nhiều ô nhiễm. Điều cần thiết hơn chính là việc phải tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường bằng chính hành động.
MINH HẢI