Hệ quả của nhiều cái thiếu

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình giao thông đi lại trên địa bàn thành phố xem ra vẫn tiếp tục những điệp khúc cũ, nghe đã quen tai: thường xuyên xảy ra ùn ứ cách này cách khác, thời điểm này, thời điểm khác, đặc biệt trong các giờ cao điểm.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình hình giao thông đi lại trên địa bàn thành phố xem ra vẫn tiếp tục những điệp khúc cũ, nghe đã quen tai: thường xuyên xảy ra ùn ứ cách này cách khác, thời điểm này, thời điểm khác, đặc biệt trong các giờ cao điểm.

Các cung đường quanh vòng xoay ở Ngã sáu Gò Vấp và Ngã năm Nguyễn Thái Sơn gần đó, mà nay thực tế cũng đã trở thành ngã sáu sau khi phát triển đường Phạm Văn Đồng - là ví dụ tiêu biểu cho sự bức bối, thậm chí gần như ngột ngạt về giao thông đi lại. Tại các địa điểm này, một hình ảnh bất thường như đã trở nên bình thường, đó là tình trạng xe cộ nối đuôi nhau rồng rắn, ken cứng trong các giờ cao điểm hầu như suốt tuần.

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Xe đông, đường chật... là một lời giải thích vừa đúng nhưng cũng vừa cũ kỹ, bởi vì thật ra, xét sâu xa hơn người ta sẽ thấy còn nhiều nguyên nhân khác nữa góp phần gây ra tình trạng phiền hà về giao thông đi lại: ý thức người tham gia giao thông, quy hoạch đô thị còn những điểm chưa hợp lý, chất lượng đường sá…

Chỉ riêng chất lượng mặt đường cũng đã là một vấn đề dài dòng, phức tạp. Hệ thống đường sá thành phố không chỉ thiếu thốn, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển thời đại, mà lại còn có chất lượng quá yếu. Bởi vì sau một thời gian dài trở thành “đại công trường” thi công, các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, đường sá thành phố giờ như đang có quá nhiều con đường… thứ cấp. Điều đáng nói là những chỗ chất lượng mặt đường chưa tốt thường rơi vào phần làn đường dành cho xe hai bánh. Vì thế, hệ quả là xe hai bánh và xe thô sơ luôn có khuynh hướng tràn sang làn ô tô, vừa nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, vừa tạo ra hình ảnh hỗn độn, xô bồ giữa các dòng xe.

Chất lượng mặt đường chi phối đến giao thông nhiều đến vậy nhưng nó sẽ còn tác hại đáng ngại hơn nhiều tại các nút giao cắt giao thông, nơi có mật độ xe đông đúc, Ngã năm Nguyễn Thái Sơn thuộc quận Gò Vấp là một ví dụ. Nút giao này đang là một trong những điểm nóng hàng đầu về ùn ứ giao thông trên địa bàn quận Gò Vấp, thế nhưng ngoại trừ đường Hoàng Minh Giám còn khá tốt, các đường còn lại đều ở trong tình trạng làng nhàng: đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Thái Sơn, đường Nguyễn Kiệm. Ngay bản thân đường Hoàng Minh Giám cũng chỉ tốt có lúc, tức là nếu trời khô ráo thì tốt, nhưng khi trời mưa to thì con đường này lại bị ngập nước dữ dội và kéo dài gần suốt tuyến, thậm chí ngập nước gần hết bề rộng mặt đường! Nhưng “xấu xí” nhất ở nút giao này có lẽ là đường Bạch Đằng, bởi vì suốt từ đầu chợ Tân Sơn Nhất cho đến khi trổ ra Hồng Hà để vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chất lượng mặt đường Bạch Đằng rất kém, xuống cấp trầm trọng, ổ gà ổ vịt rải dọc suốt tuyến.

Huy Khánh

Tin cùng chuyên mục