Trước nhu cầu mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng nấm, một nhóm kỹ sư trẻ thuộc Công ty cổ phần Sinh học Trường Xuân đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công hệ thống làm mát cưỡng bức cho luống rơm bằng khí nén. Hệ thống giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho công ty. Có thể nhân rộng cho các hộ trồng nấm trên cả nước.
Theo kỹ sư Nguyễn Trịnh Nguyên, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kể trên cho biết, trong các khâu chuẩn bị trồng nấm, ủ rơm tạo cơ chất là khâu quan trọng nhất. Thường rơm sau khi được lựa chọn, làm sạch vi khuẩn sẽ cho vào ủ lên men. Trong suốt quá trình lên men sẽ sản sinh sản phẩm phụ là sức nóng (nhiệt), amoniac (mùi khai) và CO2. Vì vậy trong ngành công nghiệp nấm, người ta thường dùng sự thông gió cưỡng bức đặt dưới sàn nhà. Tuy nhiên, khuyết điểm của phương pháp này là không chủ động kiểm soát được “khối lượng” các thành phần phụ. Từ đó, quá trình ủ cơ chất không đạt yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng, dinh dưỡng nấm.
Qua tìm hiểu công nghệ ủ của nước ngoài, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị mới (Sở KH-CN TPHCM), nhóm kỹ sư của công ty đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu hệ thống. “Điểm quan trọng nhất của hệ thống là giám sát được quá trình ủ cơ chất. Nhờ các cảm biến nhiệt, hệ thống sẽ nhận biết được nhiệt độ trong luống rơm để điều chỉnh thời gian đóng hoặc mở van khí. Ngoài ra, hệ thống giám sát kèm theo sẽ ghi nhận dữ liệu tự động. Người trồng nấm có thể phân tích đánh giá chất lượng của quá trình trồng nấm, rút kinh nghiệm để điều chỉnh lượng khí hợp lý trong các vụ mùa sau”, kỹ sư Nguyên giải thích.
Hệ thống đã được công ty ứng dụng vào quá trình sản xuất của mình được gần 5 tháng nay. Kết quả đánh giá bước đầu cho thấy hệ thống vận hành khá tốt và ổn định; kiểm soát được nhiệt độ ủ trong cơ chất, cho phép cung cấp lượng khí cần thiết làm mát các luống rơm. Riêng công ty cũng có đã nâng được công suất ủ của mình từ 300kg nguyên liệu hàng ngày lên đến 12 tấn. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết thêm, hệ thống được thiết kế dựa trên các vật tư thiết bị sẵn có mang tính phổ thông, dễ dàng thay thế và chế tạo; bộ phận điều khiển trên máy tính có giao diện tiếng Việt, rất thuận tiện trong việc sử dụng và chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp trong nước khi có nhu cầu. Đặc biệt, giá thành hệ thống rẻ hơn rất nhiều so với ngoại nhập. “Đơn cử tại công ty, với khối lượng ủ khoảng 12 tấn nguyên liệu, công ty đầu tư hệ thống mất khoảng 300 triệu đồng. Nếu mua hệ thống tương tự ở nước ngoài phất mất hơn 1 tỷ đồng”, nhóm nghiên cứu cho biết thêm.
TƯỜNG HÂN