Hiệu ứng kép

Trong chu kỳ tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng, lưu thông phân phối giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Nó vừa khởi đầu bằng việc cung ứng nguyên nhiên liệu cho nhà sản xuất, vừa lưu thông sản phẩm đến khu vực tiêu dùng, chuyển hóa thành vốn và trở lại với nhà sản xuất trong một chu kỳ mới. Lưu thông phân phối bị tắc, sản xuất sẽ bị đình trệ, đời sống xã hội sẽ có biến động, mà biểu hiện bên ngoài của nó là sự đột biến về giá cả hàng hóa. Sự phân công lao động xã hội càng chi tiết, lưu thông phân phối càng len lỏi vào mọi ngóc ngách và trở thành nhân tố quyết định trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội.

Thông thường trong kinh tế thị trường, phân phối lưu thông chịu sự chi phối tự phát của quy luật giá trị và quy luật cung cầu. Ở đó, các doanh nghiệp có thể tự “mò mẫm” tìm thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng tự tìm kiếm hàng hóa mình cần mua. Do đó, có lúc doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp nhau, cả về chủng loại hàng hóa và giá, chu trình sản xuất - tiêu dùng trôi chảy, đời sống xã hội bình ổn. Nhưng cũng có lúc sản xuất và tiêu dùng trục trặc, thậm chí xung đột: giá cả tăng cao, người mua ngoảnh mặt; một số mặt hàng khan hiếm bị tranh mua, thu gom, tích trữ; một số khác lại ế thừa… đời sống xã hội bất ổn.

TPHCM - với gần 10 triệu người định cư và sinh sống - đã có rất nhiều năm hứng chịu hậu quả của tính tự phát ấy. Song tác động tiêu cực của kinh tế thị trường hoàn toàn có thể hạn chế, khắc phục nếu có sự điều tiết từ một công cụ quản lý kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, UBND TPHCM đã nỗ lực thực hiện chương trình bình ổn giá, ổn định thị trường - như một mục tiêu quan trọng trong quản lý kinh tế, ổn định xã hội của thành phố. Mặc dù mới thực hiện bình ổn giá trên 8 mặt hàng thiết yếu và cũng mới có 14 doanh nghiệp chủ lực tham gia và chi phối khoảng 20% thị trường, nhưng chương trình tạo nên hiệu ứng tốt, lan tỏa nhiều mặt hàng khác, góp phần giảm bớt sóng gió của “cơn bão” giá đang gây ra trên cả nước bởi tác động của thị trường thế giới, do sự biến động của tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và giá nguyên liệu...

Hưởng ứng chủ trương của UBND TPHCM, nhiều doanh nghiệp khác đã tích cực tham gia, trước mắt là chuẩn bị cho thị trường Tết Tân Mão và xa hơn là những tháng tiếp theo cho đến hết năm 2011. Để tham gia bình ổn giá, các doanh nghiệp “tự nguyện” giảm bớt lợi nhuận, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm giá thành… để giảm giá bán ra thị trường. Người dân và chính quyền thành phố chia sẻ và hoan nghênh những doanh nghiệp ấy đã “hy sinh” vì sự bình ổn xã hội. Tuy nhiên, khó khăn sẽ còn chồng chất do biến động của kinh tế thế giới rất khó lường, còn tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước lại rất mỏng manh.

Trong chương trình bình ổn giá của TPHCM, ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng, khâu phân phối lưu thông được tập trung đầu tư, đặc biệt là hệ thống bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng. Nếu như trước đây các doanh nghiệp tự phát tìm nơi tiêu thụ thì nay đã hình thành hệ thống các siêu thị, chợ có tổ chức, đặc biệt là có sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, tạo điều kiện đưa hàng đến với các đối tượng thật sự cần hàng bình ổn giá: công nhân ở các khu công nghiệp - khu chế xuất, người lao động nghèo ở ngoại ô và người dân ở vùng sâu vùng xa…

Việc phân phối hàng bình ổn giá của UBND TPHCM trước đây chủ yếu là những điểm bán hàng lưu động, bán xong hàng là rút, hiệu quả chỉ tức thời. Như vậy chưa thể bình ổn lâu dài. Do đó rất cần có một hệ thống phân phối cố định, những cửa hàng, siêu thị bình ổn giá. Kế hoạch này còn rất nhiều trở ngại. Ngoài xây dựng hệ thống siêu thị phù hợp với từng khu vực dân cư - thu hút nguồn vốn đầu tư không nhỏ - còn cần đến sự hưởng ứng, góp sức của rất nhiều doanh nghiệp để cung cấp nguồn hàng đa dạng, thường xuyên theo giá bình ổn.

Tuy nhiên, với ý nghĩa thiết thực và tác động nhiều mặt của chương trình, tin rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp của thành phố và cả nước tham gia. Chương trình bình ổn giá của TPHCM sẽ thành công, mang lại hiệu ứng kép: góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và ổn định đời sống xã hội.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục