Hình ảnh tích cực

Năm 2011, hàng loạt vụ bê bối của các chính khách Hàn Quốc bị phanh phui. 10 nhà ngoại giao làm việc tại Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Trung Quốc hồi tháng 3 đã bị kỷ luật vì bê bối tình ái. Gần nhất là đường dây tham nhũng gây chấn động khi các nhà điều tiết ngân hàng nhắm mắt làm ngơ nhận hối lộ. Hướng đến cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2012, thử thách lớn nhất của chính khách xứ sở kim chi là lấy lại lòng tin của người dân.

Để thay đổi, giữa tháng 10, luật sư Park Won-soon trúng cử chức Thị trưởng thứ 35 thành phố Seoul. Ông Park Won-soon đã tạo được thiện cảm nhờ vẻ ngoài gần gũi thay vì quá trang trọng, cứng nhắc thường thấy của một chính khách. Buổi lễ nhậm chức với chủ đề Each Seoulite is a Seoul Mayor (Mỗi công dân Seoul đều là một thị trưởng) diễn ra ngày 16-11 là lễ nhậm chức độc đáo nhất từ trước đến nay với buổi tường thuật trực tuyến 40 phút và lần đầu tiên ghi hình trực tiếp văn phòng làm việc, những góc riêng tư của Thị trưởng Park Won-soon.

Người dân còn được gửi câu hỏi chất vấn tới thị trưởng về các chính sách quản lý thành phố Seoul trong nhiệm kỳ của vị thị trưởng này. Trước khi trở thành thị trưởng Seoul, ông Park Won-soon là một nhà hoạt động xã hội dân sự. Ông thường dành thời gian “vi hành” đến mọi ngóc ngách của thành phố, ghi nhận điều kiện sống thực tế của người dân. Ông đã lên kế hoạch tăng 5,9% quỹ phúc lợi xã hội (đạt 26% trong năm 2012) và dành một phần ngân quỹ thành phố để bù cho việc giảm một nửa học phí của Đại học Seoul.

Thực hiện đúng khẩu hiệu của lễ nhậm chức, tuần qua, Thị trưởng Park Won-soon đã mời cô Im Eun-seon (37 tuổi) - bà nội trợ với 3 con nhỏ tham gia một ngày làm việc của mình. Cô là một trong số gần 1.400 người đã gửi chia sẻ, đóng góp về việc điều hành cũng như cải tiến một số chính sách cho Seoul trên trang mạng Twitter của thị trưởng. Những người chưa được chọn tham gia chương trình trên cũng sớm nhận được hồi đáp từ thị trưởng, bất kể vào ngày nghỉ hay lúc nửa đêm. Sự nhiệt tình và sâu sát của Thị trưởng Park Won-soon cũng được ví như làn gió mới, vực dậy niềm tin của những người dân luôn mong mỏi vào sự thay đổi tốt đẹp của xã hội.

Tương tự, nghị sĩ kỳ cựu Park Jin có 3 nhiệm kỳ liên tiếp trong đảng cầm quyền Đại dân tộc (GNP) cũng chọn cách “lấy dân làm gốc” để tăng uy tín cho bản thân và GNP. Tuần qua, ông đã cho ra mắt quyển sách thứ ba của mình có tựa Think beyond yourself (Mở rộng tư duy). Không giống phần lớn những chính trị gia lấy đề tài “đao to búa lớn” để viết, Nghị sĩ Park Jin luôn chọn nội dung gần gũi với cuộc sống nhất để khuyến khích người dân hiểu rõ chính mình, phát triển tối đa nội lực, đóng góp tích cực cho cộng đồng. Một trong hai quyển sách còn lại của ông viết về bí quyết của chính mình để bảo vệ sức khỏe, duy trì cuộc sống điều độ và lành mạnh.

Hai vị chính khách tuy có quan điểm về đường lối chính trị khác nhau nhưng có điểm chung ở cách tiếp cận người dân. Không còn là những khẩu hiệu, lời hứa sáo rỗng, các chính trị gia Hàn Quốc đang dần nhận ra điều gì cần và nên làm để có một hình ảnh tích cực hơn trong cộng đồng. Quan trọng hơn cả, họ hiểu được rằng mọi chính sách dù có xuất sắc đến đâu cũng đều xuất phát từ người dân để từ đó góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục