Hoàng thân trở thành Chính ủy Trung đoàn

Cách mạng Tháng Tám thành công, rất nhiều người là con vua, cháu chúa nhà Nguyễn đang sống rất giàu sang, quyền lực trong chế độ cũ, nhưng rồi họ vẫn quyết định từ bỏ để đi theo lời kêu gọi của Bác Hồ làm cách mạng. 
Ông Vĩnh Mẫn lật từng tấm ảnh kỷ niệm và kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với PV Báo SGGP
Ông Vĩnh Mẫn lật từng tấm ảnh kỷ niệm và kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với PV Báo SGGP

Tháng Tám ở cố đô Huế 

 Chúng tôi tìm đến nhà ông Vĩnh Mẫn để nghe ông kể về những ngày mùa thu tháng 8 ở cố đô Huế 76 năm trước. Ông Vĩnh Mẫn nay đã 90 tuổi nhưng đôi mắt sáng rực, khuôn mặt hạnh phúc khi kể về khí thế những ngày ấy: “Chiều 23-8-1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên - Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế... Khí thế của quần chúng đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế, thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của ta. Tại đây, ông Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố, từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời, giới thiệu ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên - Huế; ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân”.

Trong căn nhà bên dòng sông Hương thơ mộng, ông Vĩnh Mẫn mở tủ kính lấy ra tập giấy dày cộp, lần lượt bày ra các tài liệu và cả những kỷ vật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ông chỉ tay về bức tường phòng khách có treo Huy hiệu 70 tuổi Đảng mà ông vinh dự đón nhận đúng dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh nhật Bác 19-5-2018 và nói một cách rất tự hào: “Vĩnh Mẫn - Phan Thắng, một hoàng thân nhà Nguyễn suốt đời đi theo con đường cách mạng của Bác Hồ, đã tròn việc nước, trọn việc nhà”. 

Ông tiếp tục câu chuyện về cụ thân sinh là Bửu Trác (cháu nội Vua Hiệp Hòa - PV): “Cha từng giữ chức Thống chế nhất phẩm triều đình, quyền lực ngất trời, nhưng tính cương trực, ông cụ không chịu luồn cúi và chống Pháp theo cách riêng của mình. Vì thế, sau khi Vua Khải Định băng hà, ông cụ bị Phủ Tôn Nhơn kết án, tước chức, tước tôn tịch, đày đi Lao Bảo. 6 tháng sau, đến năm Bảo Đại thứ nhất (1926), ông cụ mới được ân xá. Triều đình Huế chuẩn khôi phục nguyên tước Hương Công, mời trở lại làm, nhưng ông cụ từ chối… Cha tôi có 6 người con thì 3 người đi theo Việt Minh là Vĩnh Tập, Băng Tâm và tôi”.

Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt

 Cách mạng Tháng Tám thành công, Vĩnh Tập (19 tuổi) trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, Chính trị viên Trung đội 9 Cảm tử quân; Vĩnh Mẫn 15 tuổi tham gia đội trinh sát thiếu niên Trung đoàn Việt Minh Trần Cao Vân. “Đêm 19-12-1946, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Thừa Thiên - Huế đồng loạt nổ súng, tiến hành bao vây quân Pháp trú đóng phía Nam sông Hương. Nhưng trận chiến ác liệt năm ấy, anh Vĩnh Tập và 16 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 9 Cảm tử quân đã anh dũng hy sinh”, ông Vĩnh Mẫn nhớ lại. 

Từ đây, chàng trai Vĩnh Mẫn được tổ chức đổi tên thành Phan Thắng và theo học rồi được giữ lại làm cán bộ huấn luyện tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Đến cuối năm 1954, Phan Thắng tập kết ra Bắc, và được điều về làm trợ lý giáo dục cho đồng chí Tô Ký, Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 338 Nam bộ. Sau đó, ông được cử đi học bổ túc chính trị rồi cử về miền Nam nhận nhiệm vụ bằng con đường tàu không số. Nhưng trên đường đi bị lộ, con tàu phải quay lại miền Bắc, Phan Thắng được Tổng cục Chính trị điều luôn về làm Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn tàu không số, làm nhiệm vụ đặc biệt, bí mật vận chuyển vũ khí bằng đường biển về chiến trường miền Nam. Khoảng năm 1973, Phan Thắng là Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt - tên một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh” trên biển nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với bao chiến công hiển hách.

Đất nước thống nhất, Phan Thắng xin chuyển ngành về quê hương và lấy lại tên Vĩnh Mẫn, ông được phân công làm Trưởng ban Hợp tác kinh tế văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên và nhiều công tác khác với nước bạn Lào, Campuchia. Lãnh đạo một cơ quan quan trọng và nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, nhưng ông luôn được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến lúc nghỉ hưu. 

Những năm qua, ông Vĩnh Mẫn lại bôn ba kết nối để có được tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm 2000, dù đã lớn tuổi, ông vẫn lặn lội tàu xe ra Hải Phòng, vào TPHCM, xuống miền Tây Nam bộ để bàn bạc thống nhất giữa các nhóm vận tải biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, giữa các cụm bến của D962, D371 về cách thức tổ chức Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển... 

Trước lúc chia tay, ông Vĩnh Mẫn chia sẻ thêm, không ít quốc gia mà cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến đã giết vua, cầm tù, đày đọa các quý tộc dòng họ nhà vua. Thật hiếm và cũng thật đáng suy nghĩ về sự bao dung, thu phục nhà vua và gia đình họ cùng tham gia công cuộc giải phóng dân tộc, hoàn thành thống nhất Tổ quốc và cùng toàn dân góp sức xây dựng đất nước.

“Quả đúng như A.Ruscio, nhà nghiên cứu lịch sử nước Pháp đã viết về Hồ Chí Minh, một “người Bôn sê vích vàng” để nói về những ứng xử nhân đạo của Hồ Chí Minh, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam. Để cứu nước thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, từ trước đến sau, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc” mọi giai tầng xã hội, mọi tôn giáo, dân tộc, không phải chỉ đại đoàn kết trong một giai đoạn cách mạng nào, mà đại đoàn kết chiến lược, đại đoàn kết mãi mãi, “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết” thì “Thành công, Thành công, Đại Thành công”. Nhân sĩ, trí thức, cả những người hoàng tộc khi đã hiểu được vận mệnh Tổ quốc, thấy được âm mưu của kẻ thù, trách nhiệm của người dân, lại được biết Chính phủ Cụ Hồ đã ra lời kêu gọi, là họ đi theo Cụ Hồ, đi kháng chiến… Niềm tin mãnh liệt của mọi người là tấm gương của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Hình ảnh đã soi sáng trí tuệ, lương tâm của họ, khiến cho họ thấy mình được vinh dự có thể đi theo Cụ Hồ, làm dân Cụ Hồ”, ông Vĩnh Mẫn nhận xét.

Tin cùng chuyên mục