Năm 2010 là một năm không có nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Những diễn biến thất thường của thời tiết đã ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp, làm giảm đi nhu cầu tiêu thụ phân bón; lãi suất vốn vay cao và tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh những tháng cuối năm đã tác động trực tiếp đến việc ký các hợp đồng mua bán… Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển trên địa bàn TPHCM vẫn rất sôi động.
Hoạt động quá công suất
Những ngày cuối năm 2010, Tân Cảng Cát Lái nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Giữa trưa mà xe container vẫn rầm rập đưa đón hàng. Ở đây dường như không có giờ nghỉ… Ông Phạm Đức Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Tân Cảng Cát Lái, cho biết cảng đã hoạt động hết công suất. Năm nay, lượng hàng hóa tới cảng đã lên tới 2.550.000 teu, trong khi công suất của cảng là 2.500.000 teu. Tân Cảng Cát Lái vẫn giữ ngôi vị đầu bảng so với toàn bộ cảng biển đang hoạt động từ Nam ra Bắc. Hiện lượng container ra vào Tân Cảng Cát Lái vẫn chiếm hơn 70% lượng container ra vào các cảng biển ở khu vực phía Nam và trên 40% so với tất cả cảng biển trên toàn quốc.
Năm 2010, Tân Cảng Cát Lái đạt mức doanh thu trên 4.635 tỷ đồng, tăng 37,2% so với năm 2009. Đây là mức tăng kỷ lục trong lịch sử khai thác của Tân Cảng Cát Lái và cũng là mức tăng mà chưa có một cảng biển nào khác trên toàn quốc đạt được. Điều này rất có ý nghĩa khi hệ thống giao thông phục vụ hoạt động của cảng đã quá tải. Liên tỉnh lộ 25B-con đường huyết mạch nối Tân Cảng Cát Lái với Xa lộ Hà Nội để đi về miền Đông Nam bộ - nơi có hoạt động kinh tế sôi động nhất vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thường xuyên bị ùn ứ.
Cảng Sài Gòn với những khó khăn do nằm sâu trong nội thành TPHCM song năm 2010 cũng có nhiều mặt hàng về cảng tăng mạnh. Gạo xuất qua cảng Sài Gòn tăng 86% so với cùng kỳ năm 2009, chiếm đến 52% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; hàng container xuất khẩu tăng tới 97% so với cùng kỳ. Hàng nhập khẩu tăng không nhiều song cũng vượt 15% so với cùng kỳ 2009. Ông Nguyễn Ngọc Tới, Thư ký Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, cho biết doanh thu năm 2010 của Cảng Sài Gòn giảm so với 2009 khoảng 20%, nhưng lợi nhuận lại không giảm do có một số sự thay đổi trong cơ cấu mặt hàng bốc xếp.
Cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT) vừa mới đi vào hoạt động ở khu vực Hiệp Phước huyện Nhà Bè của TPHCM khoảng một năm nay và hiện đang phải đối đầu với hàng loạt khó khăn như luồng Soài Rạp ra, vào cảng chưa được nạo vét sâu, giao thông đường bộ chưa thuận tiện… Thế nhưng, trung bình mỗi tuần SPCT đã đón được khoảng 10 chiếc tàu, trong đó có nhiều hãng tàu lớn của Nhật, Pháp…
Sẽ tiếp tục đứng đầu?
Bên cạnh sự năng động của hệ thống cảng biển tại TPHCM, hệ thống cảng biển ở khu vực Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trỗi dậy mạnh mẽ. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - kỹ thuật biển, tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời là tư vấn lập quy hoạch cụm cảng biển số 5 - cụm cảng biển của 3 địa phương TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, cho biết hiện ở khu vực Cái Mép - Thị Vải đã có 3 cảng biển nước sâu đi vào hoạt động là SP-PSA, Tân Cảng Cái Mép và SITV. Cả 3 cảng này đều đã đón khoảng 10 chuyến tàu/tuần, trong đó có nhiều chuyến tàu chở thẳng hàng tới các cảng ở châu Mỹ, châu Âu và khu vực Trung Đông nên thời gian giảm khoảng 10%-20% so với nhiều chuyến tàu xuất phát từ các cảng ở TPHCM (do thường phải trung chuyển hàng qua một số cảng khác trong khu vực).
Năm 2011, dự kiến sẽ có khoảng 3 cảng quốc tế nữa đi vào hoạt động và 2-3 năm nữa, toàn bộ hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải, ước 20 cảng sẽ chính thức được khai thác. Đến lúc ấy, với lợi thế luồng lạch thuận lợi, có độ sâu từ 14-16m, hoàn toàn có thể đón được tàu lớn ra vào, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là một đối thủ cạnh tranh “nặng ký” của hệ thống cảng biển TPHCM. Đến lúc đó liệu hệ thống cảng biển của TPHCM có giữ được ngôi vị đầu bảng?
Nguyễn Khoa