Học Bác làm người

Hôm nay 19-5, Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta, dân tộc ta kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – người mà chúng ta thường gọi bằng một danh xưng đầy thân thương và kính trọng: Bác Hồ.

Kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay gắn liền với một sự kiện đặc biệt: tròn 100 năm ngày Bác - chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911), đồng thời tròn 5 năm triển khai Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7-11-2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hơn 4 năm qua, với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy và tổ chức Đảng; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 14-5 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua, tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Song sự học là vô cùng. Tùy theo vị trí công việc, địa vị xã hội, sự hiểu biết và nhân cách mỗi người mà sự học hỏi diễn ra như thế nào và đạt kết quả đến đâu. Học để làm gì? Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích đó thì phải: Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.

Xâu chuỗi lại toàn bộ cuộc đời của Bác, điều nổi bật, gốc rễ của mọi điều mà chúng ta cần học hỏi ở Bác, chính là học làm người. Học làm người trước hết là học cách yêu thương con người. Yêu thương con người trước hết là yêu thương cha mẹ, anh em, gia đình, bạn bè, rồi đến làng xóm láng giềng, sau đó là đến quê hương đất nước - Tổ quốc. Chỉ khi chúng ta có trái tim, có tình yêu thương con người thật sự, chúng ta mới biết hy sinh, giúp đỡ người khác.

Tùy theo tình yêu thương và điều kiện, năng lực của mỗi người mà sự hy sinh, giúp đỡ ấy được thể hiện khác nhau. Khi chúng ta biết hy sinh, giúp đỡ người khác bằng tình yêu thương chân thật, mạnh mẽ, có nghĩa chúng ta biết phát huy trí tuệ, sức mạnh của mình cho sự tiến bộ của những người chung quanh, cho xã hội và cho quê hương đất nước một cách có trách nhiệm nhất. Chỉ khi chúng ta biết hy sinh, giúp đỡ người khác bằng tình yêu thương và trách nhiệm, chúng ta mới biết vươn lên học hỏi, biết dũng cảm sửa chữa khuyết điểm, biết hoàn thiện mình và biết đấu tranh với cái xấu để sự hy sinh, giúp đỡ ấy có ý nghĩa và mang lại giá trị lớn lao hơn.

Và cũng chỉ khi chúng ta biết yêu thương nhau, biết lấy nhân tâm làm trọng, chúng ta mới biết đoàn kết để tạo nên và phát huy sức mạnh, trí tuệ, làm cơ sở để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm nền tảng xây dựng và phát triển đất nước, giúp cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xã hội ổn định, trật tự…

Học Bác, mỗi chúng ta hãy bắt đầu từ điều đơn giản đó – chiếc chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa tốt đẹp.

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục