Vụ hè-thu ở đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng đạt khá cao (4 triệu tấn lúa). Được mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa rớt. Giá lúa hạ vì các lý do sau đây: Giá gạo thế giới giảm 300 - 400 USD/tấn nên giá lúa gạo trong nước giảm theo. Các công ty lương thực còn tồn đọng lượng gạo tồn kho khá lớn (tính đến 31-7 là 700.000 tấn) vì ta tạm ngừng xuất khẩu cho đến hết tháng 6 để đảm bảo an ninh lương thực. Vụ hè-thu thu hoạch đúng vào lúc mưa nhiều các thương lái thiếu sân phơi, lò sấy nên chỉ thu mua nhỏ giọt với số lượng cầm chừng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các công ty lương thực phải thu mua cho được 400.000 - 500.000 tấn gạo trong tháng 8 với giá đảm bảo cho nông dân có lời 40%. Triển khai thực hiện chỉ thị trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi giao ban trực tuyến ngày 9-8 với đại diện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đại diện 3 nhà (nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) để xem xét các mặt khó khăn, trở ngại và bàn biện pháp tháo gỡ.
Hiện giá thành sản xuất 1kg lúa hè-thu phổ biến ở mức 3.200 - 3.600 đồng/kg. Để nông dân có lời 40% giá thu mua phải vào khoảng 5.000 đồng/kg. Có thể thu mua với mức giá này tại thời điểm hiện nay không? Ý kiến của nhiều vị đại biểu cho là khó. Và hiện nông dân cần tiền để thanh toán nợ nần chỉ bán được với giá xấp xỉ 4.000 đồng/kg. Nếu đầu ra xuất khẩu chưa thuận lợi khó đẩy giá thu mua lên. Đó là chưa kể trường hợp các doanh nghiệp muốn xuất nhanh sẽ bị khách hàng nước ngoài ép giá.
Một vị có trách nhiệm ở Bộ NN-PTNT cho rằng: Vấn đề hiện nay là chúng ta phải bình tĩnh không nên vì thừa gạo mà bán tống, bán tháo. Dự báo giá gạo tháng 9, tháng 10 sẽ phục hồi vì vậy bà con phải bình tĩnh không vội bán giá rẻ.
Biết vậy nhưng làm cách nào để gỡ khó cho bà con nông dân. Tại cuộc họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cam kết: Đối với nông dân chưa tiêu thụ được lúa ngân hàng sẵn sàng gia hạn nợ, đồng thời tiếp tục cho vay để bà con yên tâm sản xuất vụ tiếp. Đối với các doanh nghiệp đảm bảo đủ vốn vay mua lúa gạo.
Về mặt quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên hứa: Trong tuần tới Tổ điều hành xuất khẩu gạo sẽ họp điều chỉnh mức giao hàng theo hướng tăng khối lượng trong tháng 8. Ông cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực tổ chức thu mua tốt, giảm khâu trung gian để nông dân có lãi.
Những biện pháp trước mắt giúp nông dân vượt qua khó khăn làm ăn có lãi là vậy. Nhưng về lâu dài nông dân phải tìm cách bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Trong bước đường hội nhập không thể tiếp tục kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải tập hợp lại làm ăn lớn, hình thành những tập đoàn, hợp tác xã trồng lúa, tiếp cận được với thị trường trong nước và thế giới, đủ sức đàm phán với các công ty lương thực quyết định giá bán, thời điểm bán sản phẩm của mình; có cả hệ thống kho tàng bảo quản sản phẩm một khi giá hạ. Có như vậy nông dân mới không lệ thuộc vào thương lái, vào các công ty lương thực và khấm khá lên được.
Minh Thông