Thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa khi liên tục chinh phục những đỉnh cao mới cả về chỉ số lẫn thanh khoản. Ấy vậy mà như bị “hóc xương”… từ những tháng cuối năm 2020, hệ thống giao dịch trên sàn HoSE (sàn chứng khoán TPHCM) đã liên tục bị nghẽn khi thanh khoản thị trường tăng lên 10.000-15.000 tỷ đồng. Hậu quả, lệnh mua bán của nhà đầu tư gửi đi rất khó, nhiều người đã vuột mất cơ hội kiếm tiền. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 1-6-2021 do dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn, lần đầu tiên trong lịch sử, sàn HoSE phải tạm ngừng giao dịch phiên chiều. Tuy nhiên, chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, giá trị giao dịch đã vượt 21.700 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) - mức cao kỷ lục. Chốt phiên giao dịch này, VN-Index tăng 9,73 điểm, lên 1.337,78 điểm - đỉnh cao nhất của chỉ số này từ trước đến nay.
Vấn đề là đã nửa năm HoSE bị nghẽn và bao giờ HoSE hết nghẽn thì mới chỉ là… dự ước. Theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, HoSE đang hợp tác với Tập đoàn FPT để giải quyết tình trạng quá tải trên sàn. Hệ thống mới này đang bước sang giai đoạn thử nghiệm trên toàn thị trường đến hết tháng 6 và dự kiến đầu tháng 7-2021 mới có thể khai trương. Hệ thống có thể xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, kỳ vọng đáp ứng được nhu cầu hiện tại và có thể tiếp tục mở rộng nếu cần thiết.
Hiện nay, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân/ngày của Việt Nam đã tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2020, gần tương đương Singapore. Con số này vượt xa thanh khoản thị trường chứng khoán Malaysia và Indonesia. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức giao dịch này chắc chắn không dừng ở đây mà còn tăng nhiều khi một số kênh hút vốn khác như gửi tiết kiệm đang không hấp dẫn lắm bởi lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp. Hướng đầu tư vào bất động sản đang chững lại do Chính phủ và một số địa phương đã và đang điều chỉnh lại hoạt động của thị trường bất động sản theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn. Chưa kể, từ đầu năm 2021, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó có quy định rõ ràng hơn về giới hạn sở hữu nước ngoài, đồng thời nâng cao mức độ bảo vệ cho cổ đông và nhà đầu tư. Đây là yếu tố được giới chuyên gia đánh giá sẽ làm tăng niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, từ năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn sẽ phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tất cả, dự kiến khi triển khai sẽ thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn vào thị trường chứng khoán.
Việt Nam đang rất cần thu hút nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Còn TPHCM, với vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất nước cũng đang rất cần vốn cho sản xuất và kinh doanh. Sàn HoSE hiện thu hút tới khoảng 80% khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội. Trong bối cảnh này, việc để cho tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch kéo dài quá lâu là không thể chấp nhận.
Ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống giao dịch chứng khoán bị gián đoạn là vấn đề rất nghiêm trọng bởi nó vừa gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, vừa làm giảm uy tín của ngay chính sàn giao dịch đó. Do đó, việc quy trách nhiệm và sớm khắc phục sự cố được các nước thực hiện nghiêm và nhanh chóng. Việt Nam cũng không thể ngoại lệ…, nhất là đối với TPHCM còn có một khát vọng: trong tương lai không xa trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực.