Thời gian gần đây, việc chơi hụi phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp, biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay nặng lãi. Đáng chú ý là nạn giật hụi nở rộ khắp cả nước. Có những vụ bể hụi với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Có người làm chủ chục dây hụi, mà các con hụi không hề biết mặt nhau, không ai kiểm soát nên khi chủ hụi tuyên bố bể hụi thì các con hụi… ngất xỉu! Vấn đề giật hụi, bể hụi càng nhức nhối hơn khi không có chế tài xử lý rõ ràng nên khó truy tố trách nhiệm hình sự những người vi phạm.
Trước tình hình đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định về họ, hụi, biêu, phường sẽ có hiệu lực vào ngày 5-4-2019 tới đây. Nghị định này quy định chi tiết và đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động chơi hụi, bảo vệ quyền và lợi ích các bên. Từ quy trình thành lập, trách nhiệm nhà cái, trách nhiệm người tham gia, lãi suất, nghĩa vụ, thông báo với cơ quan nhà nước, phạt vi phạm… rất đầy đủ và dễ hiểu. Nghị định đã luật hóa “cuộc chơi” trong dân gian lâu nay.
Cụ thể, người chơi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, 18 tuổi trở lên hoặc trên 15 tuổi có tài sản riêng; quy định thừa kế khi người chơi hụi chết… Quy trình lập hụi cũng được quy định chặt chẽ, như: phải có thỏa thuận bằng văn bản (không thỏa thuận miệng như trước đây); buộc chủ hụi phải lập sổ và viết biên nhận khi giao nhận tiền; nếu người nào đến kỳ mà chậm đóng thì chủ hụi đóng thay nhưng người đó phải chịu lãi suất chậm nộp và bị phạt chậm nộp (nếu có thỏa thuận); nếu giá trị phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên hoặc chủ hụi lập 2 dây hụi thì phải thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã, nếu không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính... Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ lãi suất do người chơi thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Với việc ra đời Nghị định 19/2019/NĐ-CP, một hoạt động phổ biến nhưng dễ phát sinh nhiều hệ lụy trong đời sống sinh hoạt của người dân, nay đã có quy định điều chỉnh; nhất là quy định cho mọi người tham gia chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính hoặc hình sự đối với người cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật khi tham gia hụi. Khi được triển khai tốt, việc chơi hụi sẽ là cách để người dân huy động vốn lẫn nhau an toàn, hợp pháp, chống lại tín dụng đen và các tranh chấp trong quan hệ hụi sẽ không còn phức tạp như trước đây.