Những ngày qua, sự kiện gạo ST25 Việt Nam được trao giải ngon nhất thế giới sau khi vượt qua gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Manila, Philippines làm nông dân trồng lúa khấp khởi vui mừng.
Gần 20 năm nay, Việt Nam là quốc gia luôn đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo của thế giới. Sản lượng lúa và kim ngạch xuất khẩu năm sau thường cao hơn năm trước. Gạo Việt Nam có mặt ở khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại có 177 thương nhân Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng liên tục cả về số lượng và giá trị trong giai đoạn 2016-2018, nhưng 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo tăng 0,1% về lượng và giảm gần 15% về giá trị (đạt 1,96 tỷ USD). Với diện tích khoảng 1,7 triệu ha đất lúa, hàng năm vùng ĐBSCL gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa. Tuy nhiên, diện tích lúa sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ còn quá ít và chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhóm giống theo tiểu vùng sinh thái.
Mặt khác, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước lân cận như Campuchia hay Thái Lan. Hiện các giống lúa thơm, đặc sản chủ lực của Việt Nam dành cho xuất khẩu vẫn tập trung ở nhóm giống Jasmine 85, nhưng chất lượng gạo không ổn định do chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan hay Campuchia. Ngoài ra, việc kiểm soát quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc cũng là một bất lợi cho việc gia tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam…
Ngày 18-12-2018, tại lễ khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần III tổ chức tại TP Tân An (tỉnh Long An), Bộ NN-PTNT đã chính thức công bố logo thương hiệu Gạo Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận. Từ đó đến nay, vẫn chưa có lô gạo nào của nước ta được doanh nghiệp xuất khẩu gắn logo thương hiệu gạo Việt Nam. Theo các doanh nhân xuất khẩu gạo, đa phần gạo Việt Nam cung ứng ra thị trường là bằng các hợp đồng trúng thầu với chất lượng gạo tính trên tỷ lệ tấm và giá, hoàn toàn không gắn nhãn mác của doanh nghiệp nào.
Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh những thương hiệu gạo thơm của Thái Lan được bán rải rác trong các siêu thị, thì dòng gạo ST của Sóc Trăng luôn được người tiêu dùng tìm mua. Mới đây nhất, gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí, Sóc Trăng) lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Trước đó, gạo ST24 cũng đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4-11.
Không chỉ có ST25, thời gian gần đây, bằng nỗ lực của chính mình, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo đã chào hàng thị trường thế giới bằng thương hiệu riêng. Tuy số lượng không nhiều nhưng đã chứng tỏ sự nỗ lực tạo dấu ấn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt.
Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội vào sáng 6-11 vừa qua, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói “lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh”. Theo bộ trưởng, trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo. Theo các chuyên gia, chính vì vậy, đây là lúc nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu.
Ngoài việc quy hoạch diện tích sản xuất thì cũng phải nghiên cứu, điều chỉnh lại mùa vụ cho khoa học, hợp lý để đảm bảo duy trì song song sản lượng, chất lượng lúa gạo và tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân. Bộ Công thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là duy trì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một cách ổn định, giảm thiểu các trường hợp có thể gây biến động lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, các hiệp hội phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.
Gỡ khó cho ngành lúa gạo để đạt mục tiêu phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ NN-PTNT đã thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, có 50% lượng gạo xuất khẩu sẽ có thương hiệu Việt, trong đó 30% là gạo đặc sản, gạo thơm. Mục tiêu của đề án nhằm cải thiện thu nhập tăng thêm hàng năm cho nông dân trồng lúa và tạo vùng sản xuất rộng lớn, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào - đầu ra để xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Từ tháng 7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, giảm phụ thuộc vào một số thị trường chính để đạt mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.