Hụt hẫng giáo dục nghệ thuật sân khấu cho học sinh

Trẻ em là bộ phận góp phần tạo nên khán giả tương lai cho các nhà hát, định hình hướng đi, tiêu chí phát triển theo đúng “tuyên ngôn nghệ thuật” cho từng đơn vị, nhưng có lẽ hiện nay, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, dường như không có bộ phận này. 

Ở các nước phương Tây, vai trò của giáo dục nghệ thuật rất được đề cao và có vị trí đặc biệt trong hoạt động của các nhà hát. Nhà hát Hoàng gia Anh, bộ phận giáo dục có 7 nhân viên, chịu trách nhiệm tổ chức lưu diễn các tác phẩm mang tính giáo dục và thực hiện hơn 10 loại hình nghệ thuật khác nhau chuyên dành cho khán giả là học sinh - sinh viên. Nhà hát Contact ở Manchester hoạt động theo hướng một nhà hát tuổi trẻ, chịu trách nhiệm tổ chức các vở diễn giáo dục và hoạt động giáo dục ở khu vực Manchester và Local West Midlands. 

Theo thống kê của Hiệp hội Sân khấu quốc tế (ITI - International Theatre Institute) tại Thụy Điển, trong 9 triệu dân của quốc gia này, có đến 6 triệu người được xem sân khấu hàng năm và trong số đó trên 50% các vở diễn được sản xuất dành cho đối tượng là trẻ em và thanh thiếu niên với nhiệm vụ quan trọng, đó là giáo dục sân khấu. 

Ở Việt Nam, chúng ta cũng có chương trình sân khấu học đường nhưng chỉ là việc đưa một số trích đoạn tuồng, cải lương, kịch… vào biểu diễn tại các trường học chứ không phải là một kế hoạch hoàn chỉnh mang tính chiến lược; những suất diễn này cũng tổ chức không được bao nhiêu và chỉ mang tính thời vụ. Sự phối hợp giữa ngành văn hóa và giáo dục như giậm chân tại chỗ, khiến cho một vở diễn dù rất thành công từ thực tiễn, được thầy cô giáo, học sinh và báo chí đánh giá cao nhưng vẫn phải nằm chờ thời vì không có kinh phí. 

Một thành phố lớn, một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước như TPHCM mà chưa có một nhà hát đúng tầm dành cho trẻ em là điều hạn chế. Chúng ta có một hệ thống các nhà thiếu nhi ở khắp các quận huyện nhưng không có nhà thiếu nhi nào có sân khấu diễn cho trẻ em hàng tuần. Rất cần một nhà hát dành cho trẻ em với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất hiện đại, và nhất là phải có những con người từ quản lý đến nghệ sĩ biểu diễn… am hiểu thiếu nhi. Những khán giả được xem và hiểu sân khấu từ rất sớm sẽ chính là lực lượng khán giả tương lai của các nhà hát. Giáo dục nghệ thuật tốt cũng sẽ giúp cho sân khấu tiệm cận với sự phát triển sân khấu của các nước tiên tiến và góp phần phát hiện bồi dưỡng các tài năng sân khấu trong tương lai. Cùng với đó, các phương tiện truyền thông tăng cường các chương trình thường thức sân khấu, cung cấp cho khán giả những thông tin về sân khấu, giá trị các vở diễn sân khấu, nâng cao kiến thức về sân khấu. Giáo dục nghệ thuật sân khấu tốt sẽ thúc đẩy sân khấu phát triển cả về số lượng khán giả và chất lượng nghệ thuật của các vở diễn. Khi đã hiểu sân khấu, khán giả sẽ tự giác đến với sân khấu, đây là một quá trình không hề đơn giản và cần có chiến lược lâu dài từ các cấp quản lý.

Tin cùng chuyên mục