Hy vọng mong manh chấm dứt đại dịch

Những thông tin thời gian qua về việc tìm ra khắc tinh của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 hay biến chủng Delta tự diệt ở Nhật Bản, châu Phi làm dấy lên tia hy vọng tìm ra giải pháp chấm dứt đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa vội lạc quan.

Nhân tố DH1047

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học North Carolina - Chapel Hill, Mỹ và Đại học Duke ở Durham, Anh đã xác định được một kháng thể có thể bảo vệ con người khỏi virus SARS-CoV-2, các biến chủng của nó và các loại virus Corona khác. Theo tờ Daily Mail, kháng thể này có tên DH1047, hoạt động bằng cách bám vào tế bào của virus và vô hiệu hóa nó, ngăn nó sinh sôi. DH1047 hiệu quả trong ngăn chặn lây nhiễm và hỗ trợ điều trị người đã mắc Covid-19.

Mô phỏng kháng thể DH1047  có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã tìm ra điều mấu chốt có thể hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay và các đợt bùng phát trong tương lai. Tiến sĩ Barton Haynes, Giám đốc Viện Vaccine Duke và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Kháng thể này có tiềm năng là công cụ điều trị với đại dịch hiện nay. Nó cũng có thể giúp đối phó các đợt bùng phát trong tương lai nếu có loại virus Corona khác lây từ động vật chủ trong tự nhiên sang con người”. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định hơn 1.700 kháng thể chống virus Corona. Trong số đó, có 50 kháng thể có thể bám vào tế bào của cả SARS-CoV-2 và SARS - virus gây đợt bùng phát dịch ở châu Á hồi năm 2000. Riêng kháng thể DH1047 thì đặc biệt hiệu quả, có thể bám vào mọi loại virus Corona, cả trên động vật và người.

Kháng thể DH1047 hiệu quả với mọi loại biến chủng của SARS-CoV-2, kể cả biến chủng Delta. Các loại virus Corona khác có khả năng lây nhiễm sang người cũng được thử nghiệm và đều bị kháng thể DH1047 vô hiệu hóa. Khi thử nghiệm kháng thể DH1047 trên động vật đã bị nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện nó hiệu quả trong giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan tới phổi.

Hiện tượng đáng quan tâm

Trường hợp ở Nhật Bản được xem là một hiện tượng lạ. 3 tháng sau ngày biến chủng Delta xuất hiện và hoành hành (ca nhiễm cao nhất 26.000 ca/ngày), những tuần gần đây Nhật chỉ ghi nhận dưới 200 ca/ngày, ngày 7-11 thậm chí không có ca tử vong nào (lần đầu tiên sau 15 tháng). Các học giả nhận xét, con số dưới 200 là vô cùng thấp, kể cả tỷ lệ tiêm ngừa cao (75,7% dân số), giãn cách xã hội tốt, thói quen đeo khẩu trang... cũng không giải thích được. Theo tờ Japan Times, một nhóm các nhà nghiên cứu, do giáo sư Ituro Inoue thuộc Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản làm trưởng nhóm, đưa ra một giả thuyết khá táo bạo: chủng Delta ở Nhật đã tự diệt trong quá trình lây lan và đột biến. Theo nghiên cứu, bộ gene của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến/tháng. Nhưng chủng Delta ở Nhật Bản tích lũy quá nhiều đột biến trên protein sửa chữa của nó gọi là nsp14. Kết quả là virus không kịp sửa lỗi trong quá trình phân chia trong cơ thể người bệnh, dẫn đến tự diệt.

Châu Phi là một thực tế đáng quan tâm khác, Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, số ca nhiễm dịch ở châu lục này đã giảm kể từ tháng 7. Chưa tới 6% người dân nơi đây được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, nhưng theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%. Xét từ góc độ khoa học, một số nhà nghiên cứu cho biết dân số của châu Phi rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu. Ngoài tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời có thể giúp người dân tránh được tác động của virus SARS-CoV-2 nhiều hơn. Một điểm đáng chú ý là tại cuộc họp của Hiệp hội Y học nhiệt đới và vệ sinh Mỹ tuần trước, các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda nhận thấy, những bệnh nhân Covid-19 có tỷ lệ phơi nhiễm cao với bệnh sốt rét ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong hơn. Hiện các nhà khoa học đang tiến hành thêm một số nghiên cứu để xem liệu có thể có những giải thích khác hay không, như về mặt di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng...

Không dễ thực hiện

Hiện nay, liệu pháp kháng thể đơn dòng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị Covid-19. Theo đó, kháng thể Covid-19 được đưa vào cơ thể người để hỗ trợ hệ miễn dịch, vô hiệu hóa tế bào virus và ngăn chúng sinh sôi. Theo các nhà khoa học, liệu pháp này đặc biệt quan trọng với người chưa tiêm vaccine và chưa có kháng thể. Kết hợp kháng thể DH1047 trong phương pháp điều trị bệnh liên quan virus Corona trong tương lai có thể tăng hiệu quả hơn rất nhiều. Cùng với đó, mặc dù phát hiện ra kháng thể này quá muộn, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng trong việc chống lại các đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo trên toàn thế giới.

Giáo sư William Schaffner, chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Mỹ, nhận định: liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng kết hợp DH1047 không dễ thực hiện bởi cần nhiều điều kiện đặc biệt. Thứ nhất, bệnh nhân không được chẩn đoán đủ sớm để tận dụng lợi thế của phương pháp trị liệu đơn dòng. Hai là, kháng thể này cũng không dùng cho tất cả mọi người, muốn nhận được nó trước hết phải thuộc danh sách đặc biệt. Ba là, nguồn cung kháng thể đơn dòng quá ít, hiện tại chỉ phân bổ tới Anh, nhưng không phải có sẵn cho bệnh nhân đang cần. Ngoài ra, giá các loại kháng thể đơn dòng này rất đắt, trong khi vaccine Covid-19 là phương pháp an toàn và hiệu quả, về giá cả thì lại rẻ hơn nhiều. 

Số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày ở Ấn Độ đã giảm từ hơn 400.000 ca/ngày vào tháng 5 xuống dưới 10.000 ca/ngày hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ đã xét nghiệm huyết thanh thường xuyên từ khi đại dịch bắt đầu. Cuộc khảo sát quốc gia lần thứ tư vào tháng 7 cho thấy, 67,6% người dân trên khắp Ấn Độ có kháng thể Covid-19, cung cấp cho họ một mức độ miễn dịch nhất định. Tại thời điểm đó, chỉ có 24,8% người dân được chủng ngừa ít nhất một liều vaccine và 13% được tiêm đầy đủ. 

Tin cùng chuyên mục