Ì ạch vì thủ tục

Xuất phát từ hiệu quả mà các Vườn ươm doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN) mang lại cho nền kinh tế tại các nước tiên tiến trên thế giới, Việt Nam cũng tiến hành triển khai các mô hình vườn ươm đến các đơn vị trường học, các trung tâm hoạt động KH-CN lớn trên cả nước.

Tại TPHCM, dự án Vườn ươm doanh nghiệp được Sở KH-CN triển khai từ đầu năm 2006 và đến nay đã có 5 vườn ươm gồm: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Khu Công nghệ cao TPHCM, Công viên Phần mềm Quang Trung và đặc biệt là 2 vườn ươm hình thành trong trường đại học: Đại học Nông Lâm và Đại học Bách khoa TPHCM. Đây là tín hiệu vui vì lâu nay, hệ thống các trường đại học trên TP vẫn được xem là mạnh nghiên cứu, yếu trong quá trình chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm.

Thế nhưng, so với đơn vị còn lại là Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Bách khoa TPHCM vẫn đang chờ cấp giấy phép hoạt động (có tài khoản và con dấu riêng) dù đã đi vào hoạt động từ hơn 1 năm qua. Sở dĩ xảy ra tình trạng như vậy là do họ là đứa con có đến hai “mẹ”.

Còn nhớ cách đây gần 10 tháng, tại buổi Tổng kết chương trình thử nghiệm phát triển “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ giai đoạn 2007-2010” do Sở KH-CN tổ chức, nhiều nhà khoa học nhìn nhận cơ chế pháp nhân là cơ sở quan trọng để các vườn ươm độc lập ký kết hợp đồng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ, nhưng tiếc thay điều đó lại đang thiếu tại các vườn ươm của TPHCM.

Đây là rào cản không nhỏ cho sự phát triển của các vườn ươm, đặc biệt là các vườn ươm trong trường đại học do thiếu nguồn vốn và các nhà kinh tế đúng nghĩa (Đa phần là các sinh viên hoặc giảng viên trẻ kiêm nhiệm).

Trở lại với trường hợp của Vườn ươm Bách khoa, ra đời dựa trên nguồn kinh phí của trường, nhưng trường lại trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Muốn thành lập phải được sự cho phép của đơn vị “cấp trên” này. Thế nhưng, theo lời của một đại diện của vườn ươm này, đến nay dù đã chỉnh sửa lại đề án thành lập theo ý kiến của Đại học Quốc gia TPHCM nhưng vườn ươm cũng phải chờ thêm thời gian nữa mới được cấp giấy phép hoạt động.

Sự chậm trễ này gây thất thu không nhỏ cho Ban Quản lý Vườn ươm Bách khoa. Cụ thể, trong hơn một năm, với mục đích tạo quỹ hoạt động và hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp trong vườn ươm, ban quản lý đã trực tiếp ký kết các hợp đồng thăm dò thị trường và tìm kiếm đối tác chiếc lược cho một số doanh nghiệp với hơn chục ngàn USD.

Tiếc thay, khi biết vườn ươm chưa có cơ chế pháp nhân để hoạt động, họ đành rút lui. Tuy vài chục ngàn USD chưa phải là quá lớn đối với các hoạt động thương mại hóa sản phẩm KH-CN, nhưng thật sự cần cho vườn ươm trong giai đoạn đầu phát triển. Nhìn sang Đại học Nông Lâm, dù chỉ được cấp giấp phép hoạt động hơn 3 tháng qua, nhưng vườn ươm đã có những mối quan hệ vững chắc trong các hoạt động thương mại hóa sản phẩm cho các doanh nghiệp. 

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục